Ba bộ gồm Giao thông – Vận tải, Tài chính và Nội vụ được Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc xác định lại tỉ lệ cổ phần theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối cảng Quy Nhơn, tạo tiền đề để đầu tư nâng cấp và mở rộng.
Cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn

Dù khẳng định việc chuyển giao cảng Quy Nhơn cho một doanh nghiệp tư nhân không có kinh nghiệm về lĩnh vực cảng biển là có khuất tất, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước sẽ gặp khó khăn khi mua lại cổ phần doanh nghiệp này, trừ trường hợp các cơ quan chức năng chứng minh quá trình cổ phần hóa cảng này có nhiều sai phạm.

Quyền chi phối phải thuộc về Nhà nước

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 20-1-2018, ông Nguyễn Thanh Tùng – bí thư Tỉnh ủy Bình Định – đã nêu ra một số đặc điểm của cảng Quy Nhơn như có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của Tây Nguyên, Hạ Lào và đông bắc Thái Lan ra Biển Đông.

Tuy nhiên, với việc cảng này bị chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hóa, chính quyền địa phương rất lúng túng, không biết quy hoạch ra sao, chỉ đạo phát triển như thế nào. Do đó, bí thư Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét, tìm giải pháp để Nhà nước nắm giữ 75% cổ phần cảng Quy Nhơn.

Tiếp đó, trong cuộc làm việc với đoàn công tác do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dẫn đầu vào tháng 7-2018, ông Hồ Quốc Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cũng đề nghị Thường trực Ban Bí thư quan tâm xem xét, chỉ đạo Chính phủ đưa ra cơ chế để Nhà nước, mà đại diện là chính quyền địa phương, nắm giữ cổ phần chi phối cảng Quy Nhơn.

Theo ông Hồ Kim Lân – tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN, cảng Quy Nhơn có lợi thế và tiềm năng phát triển hàng đầu khu vực miền Trung. Đặc biệt, với việc hàng nông sản, lâm sản từ Campuchia xuất khẩu qua đây thuận tiện, nhiều thời điểm cảng Quy Nhơn có sản lượng khai thác nhiều hơn cảng Đà Nẵng.

Bởi vậy, việc bán một cảng biển lớn cho một nhà đầu tư không có kinh nghiệm khai thác cảng là bất hợp lý, chỉ nên bán cảng cho một nhà đầu tư chuyên khai thác cảng vì đối với một cảng lớn như Quy Nhơn, đơn vị kinh doanh khai thác phải rất chuyên nghiệp.

“Nếu bán cho một nhà đầu tư nhắm đến lợi ích khác như mặt đất, mặt biển để phục vụ mục đích kinh doanh khác và xem cảng biển như một bình phong để ưu tiên phát triển những dự án đầu tư kinh doanh riêng là không nên” – ông Lân nói.

Theo TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả trực thuộc Bộ Tài chính, cảng Quy Nhơn là một cảng tiền tiêu rất quan trọng, được xem như yết hầu trong hoạt động lưu thông hàng hóa bằng đường biển của tỉnh Bình Định và cả khu vực Nam Trung Bộ, nên không thể bán đứt cho một doanh nghiệp tư nhân.

Ông Long cho rằng việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn phải đảm bảo tìm được nhà đầu tư chiến lược để cảng biển này phát triển. Do đó, cần phải xem lại việc bán cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành – một doanh nghiệp chuyên về khai thác khoáng sản, luyện thép… và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý cảng biển.

Định giá và đàm phán mua lại

TS Võ Ngọc Anh – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Bình Định – nhận định phương án để Nhà nước nắm quyền chi phối cảng Quy Nhơn còn cần phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

“Nếu kết luận thanh tra khẳng định việc cổ phần hóa cảng này không đúng các quy định, có sai phạm, phải hủy kết quả, cảng sẽ trở về là cảng nhà nước. Còn nếu kết luận thanh tra xác định rằng việc cổ phần hóa cảng này là đúng, Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại cổ phần đến mức nắm quyền chi phối” – ông Anh nói.

Ông Tô Tử Thanh – nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định – cho rằng muốn nắm quyền chi phối cảng Quy Nhơn thì đầu tiên phải xác định giá trị thực tế của cảng, sau đó xác định số cổ phần Nhà nước cần nắm để giữ quyền điều hành cảng này.

“Số cổ phần còn lại thì ưu tiên bán cho doanh nghiệp đã mua cảng trước đây, nếu họ không mua nữa thì mới kêu gọi những nhà đầu tư trong nước khác” – ông Thanh đề xuất.

Theo ông Lê Song Lai – phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, việc mua lại một doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bán vốn là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định cũng cần phải thuê định giá độc lập để biết được giá trị cảng Quy Nhơn hiện nay trước khi đàm phán mua lại.

Các đơn vị thẩm định giá sẽ tính toán lại giá trị cảng biển, trong đó có giá trị đất đai của cảng tùy theo thời điểm nhà đầu tư mua cảng.

Nếu phải mua lại cảng Quy Nhơn, theo ông Vũ Hoàng Hà – nguyên bí thư tỉnh Bình Định, Nhà nước cần thương thảo với các nhà đầu tư vào cảng hiện, bởi giá trị đầu tư của cảng rất khác sau vài năm cổ phần hóa.

Theo đó, Nhà nước có thể giao cho một doanh nghiệp nhà nước mua lại cảng Quy Nhơn đến mức nắm quyền chi phối, chứ không thể dùng ngân sách để mua.

“Cũng phải kiểm tra lại số tiền bán cảng Quy Nhơn để ở đâu, sử dụng vào việc gì, phải lấy nguồn vốn ấy để góp phần mua lại cảng. Cá nhân tôi nghĩ Nhà nước nên sở hữu 51%, 49% còn lại thì bán cho nhà đầu tư khác. Nếu tỉ lệ cổ phần hóa quá thấp, nhà đầu tư cũng không muốn tham gia” – ông Hà đề xuất.

Nhận xét về sự việc này, TS Trần Du Lịch – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho rằng Cảng Quy Nhơn có vị trí rất quan trọng, cả kinh tế lẫn an ninh quốc phòng nhưng chính quyền địa phương không có vai trò gì là điều rất đáng lo ngại. Vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế mà còn là an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và tầm nhìn dài hạn.

Theo Tuoitre.vn