Chiều dài lịch sử đã chứng minh cho chúng ta một điều: Sau mỗi khủng hoảng lớn có quy mô tầm thế giới, trật tự của các quốc gia sau đó cũng ít nhiều có sự dịch chuyển. Và có thể Covid-19 cũng không là một ngoại lệ.

Covid-19 đã phá vỡ trật tự cũ và có thể Việt Nam sẽ có một “thị phần” không nhỏ trong cái gọi là trật tự thế giới mới này.

Để đến với câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm lại một số những sự kiện đáng nói trong nửa cuối thập kỷ 2010 vừa qua.

Bộ tứ kim cương của Mỹ và ý tưởng về trật tự thế giới mới
Bộ tứ kim cương của Mỹ và ý tưởng về trật tự thế giới mới

Đầu tiên, vào tháng 01/2017, Donald Trump chính thức dọn vào Nhà trắng để bắt đầu sứ mệnh thay đổi bộ mặt nước Mỹ cùng lời hứa tranh cử của mình đưa ra vài tháng trước khi đắc cử. Trước những ngổn ngang với sự nghiệp mới của mình, Trump đã chỉ đạo văn phòng nội các của mình sắp xếp chuyến công du đến các nước châu Á. 

Và ngày 03/11 năm đó, tân tổng thống Mỹ đã thực hiện chuyến thăm đến các quốc gia Đông Nam Á. Ông Trump đã đến Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam (dự hội nghị APEC – Đà Nẵng). Và trong suốt chuyến công du của mình, một thông điệp đã liên tục được nhắc đi nhắc lại, đó chính là thông điệp “Ấn Độ – Thái Bình dương tự do và rộng mở” (FOIP). Tiền thân của ý tưởng về Bộ tứ thịnh vượng của tổng thống Trump.

Sau chuyến công du của Tân tổng thống đến châu Á, một dòng tiền lớn được các nước thành viên trong ý tưởng “Bộ tứ” do Mỹ khởi xướng chuẩn bị. Quỹ Tài trợ phát triển (IDFC) đã được thành lập với tổng số tiền lên tới 60 tỷ USD nhằm nhanh chóng thành lập, hỗ trợ xây dựng các hải cảng, sân bay, hệ thống đường bộ và đường sắt, hệ thống đường ống và đường truyền dữ liệu hiện đại cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình dương.

Thể hiện rõ nhất cho ý đồ của mình chính là việc Mỹ đã ký kết các hiệp định thương mại song phương mới với Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. 

Một chiến lược “kiềng ba chân”, kinh tế, quản trị và an ninh được kết hợp chặt chẽ với kế hoạch “Thái Bình dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Kế hoạch Thái Bình dương – Ấn Độ dương của Úc, “Chính sách phương Nam mới” của Hàn Quốc.

Tương tự như Chính sách “Một vành đai, Một con đường” (BRI) của Trung Quốc, FOIP có thể sẽ mang lại một sân chơi mới làm đối trọng với BRI trên sân chơi quốc tế. Các nước trong khu vực sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dồi dào, công nghệ nguồn hiện đại, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh quốc gia.

Tóm lại, FOIP nhằm mục đích giải quyết 2 vấn đề: Lợi ích của Mỹ và kiềm tỏa Trung Quốc trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đã, đang và sẽ là địa bàn cạnh tranh chiến lược của các siêu cường.

Lý do sâu xa đằng sau “Bộ Tứ Kim Cương”

Nhằm mục đích dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ hiện đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” (Economic Prosperity Network) thông qua cuộc đối thoại với QUAD (bộ tứ kim cương) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, và mời 3 quốc gia khác là New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trung quốc là công xưởng của thế giới

“Trung Quốc là công xưởng của thế giới”

Sự lệ thuộc của các quốc gia vào Trung Hoa Đại lục trong gần hai thập kỷ qua hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Trung Quốc từ 2010 đã vượt xa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới và chiếm gần 28% sản lượng toàn cầu vào 2018. Hằng năm, Trung Quốc đều đặn cung cấp cho thị trường thế giới một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD (năm 2019 là 2.465 tỷ USD, theo World Top Exports). Có thể nói, mọi người đã xem sự xuất hiện của các mặt hàng “Made in China” là điều tất yếu, nhưng ít ai có thể ngờ rằng: “Nếu Trung Quốc hắt hơi, cả Trái Đất sẽ rung chuyển” (trích lời của diễn viên điện ảnh Thành Long).

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với Mỹ khi nguồn cung cấp dược phẩm và các vật tư y tế khác bị gián đoạn và rơi vào tình trạng thiếu hụt trong giai đoạn bùng phát virus Corona. Theo FDA, tầm 80% các nguyên liệu cơ bản được dùng trong sản xuất các loại thuốc ở Mỹ, hay còn gọi là APIs (thành phần hoạt chất dược phẩm) được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, nơi có nguồn nguyên liệu rẻ và không quá nhiều quy định nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất.

Thế giới bây giờ lại ngấm đòn sau những bài học về việc phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp, từ sự kiện khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, hay sự cắt giảm lượng đất hiếm thành phẩm xuất sang Nhật của Trung Quốc sau vụ va chạm ở vùng biển gần đảo Senkaku năm 2010. Nhiều công ty đa quốc gia đã cân nhắc về việc hoạt động chủ lực tại Trung Quốc ngay trước khi chiến tranh thương mại diễn ra. Thế nhưng, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc là điều không hề dễ, khi mà nhân công rẻ không còn là lý do chính; cái cốt lõi nằm ở mức độ tập trung dày đặc của các kỹ sư trình độ cao, hệ thống hậu cần toàn diện và mức thuế ưu đãi mà đất nước này đưa ra.

Ở thời điểm hiện tại, nếu ví thương chiến là một ngòi nổ thì đại dịch Covid-19 chính là ngọn lửa phát hỏa chiếc dây cháy chậm tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về bối cảnh địa chính trị của thế giới.

Bộ tứ Kim Cương và những lý giải của truyền thông quốc tế

QUAD ra đời vào năm 2007 theo đề xuất của thủ tướng Shinzo Abe, nhằm mục đích chính là đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, với sự tham gia của các thành viên gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Sau hơn 10 năm im ắng, trước những gì virus SARS-Cov-2 gây ra, Mỹ “hâm nóng” lại bộ tứ kim cương với hy vọng tạo ra được cú hích, vực dậy nền kinh tế toàn cầu, và mời 3 quốc gia khác là New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam.

Theo Heritage (chuyên đăng tải các cuộc đối thoại ngoại giao của Mỹ), nội dung cuộc đối thoại giữa các quan chức ngoại giao từ các quốc gia xoay quanh về Covid-19, cũng như phương thức chống lại sự lây lan của đại dịch. Hãng tin Reuters (Anh) và Đài Truyền hình CGTV (Trung Quốc) lại chỉ ra rằng, “tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu” mới chính là nội dung chính cho liên minh “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Và đây là một phương án đa phương đầy bất ngờ, như nhiều chuyên gia nhận định, sẽ giúp Mỹ đa dạng hóa nguồn cung cấp và giảm thiểu rủi ro sau khi tách khỏi Trung Quốc.

Cơ hội nào cho Việt Nam

Theo Nikkei Asian đưa tin, Apple đang rục rịch chuẩn bị sản xuất 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods – chiếm 30% sản lượng của hãng tại Việt Nam ngay trong quý II năm nay. Báo chí những ngày gần đây liên tục đưa tin về sự góp mặt của Việt Nam trong cuộc điện đàm không chính thức giữa các thành viên của QUAD-Plus. Khi mà trung tâm sản xuất số một thế giới không còn là của Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Việt Nam là địa điểm thay thế mới mà các nhà đầu tư hướng tới.

Có nhiều ý kiến giải thích tại sao lại là Việt Nam mà không phải các nước ASEAN khác. Họ cho rằng sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, từ thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đến duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, FDI và FII khá cao. Lý do không đơn giản nằm ở những điều như vậy, bởi cũng có rất nhiều các quốc gia khác trải thảm đỏ mời những làn sóng nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ… nhằm dành được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, theo các chuyên gia chính trị, Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất, đi đầu trong ASEAN giúp Mỹ tăng cường lợi ích tại khu vực trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. Và khi thành đối tác với Việt Nam, Mỹ đang có những lợi ích thương mại và chính trị một cách rõ rệt. Dù gì đi nữa, vẫn không thể phủ nhận được một cơ hội rất lớn đang ở trước mặt chúng ta.

“Cơ hội thì đã rõ. Vấn đề không phải là cơ hội mà có hiện thực hóa được cơ hội hay không.” Qua cuộc trao đổi với VietnamFinance, TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế Chính trị và Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam), nhấn mạnh:

“Mong ước của Việt Nam là có một vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng, có như vậy mới phát triển được. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt.”

Nội dung: Huy Ngân
Hình ảnh: Minh Luận