Trong năm 2021, trước những biến động căng thẳng do ảnh hưởng của COVID-19, tình trạng khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào, sự cố, rủi ro trong vận tải đường biển liên tục xảy ra, cước vận tải biển tăng cao. Tuy nhiên, năm vừa qua cũng đã chứng kiến những phi vụ tỷ đô bởi do sự trở lại của xu hướng M&A. 

M&A là gì? 

M&A là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

  • Mergers (sáp nhập): là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp thường có cùng quy mô với nhau để tạo ra một doanh nghiệp mới. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới.
  • Acquisitions (mua lại): là hình thức kết hợp mà doanh nghiệp lớn sẽ mua các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn, các doanh nghiệp bị mua lại này vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và doanh nghiệp mua lại sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua.

M&A và các phi vụ toàn cầu

Trong năm 2021, trước những biến động căng thẳng do ảnh hưởng của COVID-19, M&A đã một lần nữa trở thành xu hướng trong ngành Logistics, sau đây hãy cùng nhìn lại một số thương vụ mua bán và sáp nhập được thực hiện bởi những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành logistics toàn cầu.

M&A và các phi vụ toàn cầu
M&A và các phi vụ toàn cầu
  • Lĩnh vực Giao nhận

Năm 2021, đầu tiên phải kể tới thương vụ DSV Panalpina mua lại đơn vị kinh doanh logistics hợp nhất toàn cầu của Agility (Agility’s Global Integrated Logistics – Agility GIL). Thương vụ trị giá 4,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 500 triệu USD so với thương vụ DSV mua lại Panalpina hơn 2 năm trước. Trong đó Agility GIL là một trong những doanh nghiệp giao nhận hàng không lớn nhất thế giới, với việc tiếp quản thành công Agility GIL của DSV Panalpina, công ty này được kỳ vọng sẽ vượt qua Kuehne + Nagel (K+N) và DHL Global Forwarding và trở thành công ty giao nhận lớn nhất thế giới. 

DSV Panalpina mua lại đơn vị kinh doanh logistics hợp nhất toàn cầu của Agility
DSV Panalpina mua lại đơn vị kinh doanh logistics hợp nhất toàn cầu của Agility

Trước đó, vào khoảng giữa năm 2021, ông lớn Kuehne + Nagel cũng đã hoàn tất việc mua lại 88,5% cổ phần của Apex International. Giao dịch đươc cho là thương vụ lớn nhất trong lịch sử của Kuehne + Nagel  được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD – 2 tỷ USD. Việc mua lại công ty này theo kế hoạch sẽ bổ sung thêm 9% doanh thu của Kuehne + Nagel và nâng tỉ lệ doanh thu tại Châu Á Thái Bình Dương lên 19%. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Kuehne + Nagel đã đồng ý bán 24,9% cổ phần của Apex International cho công ty cổ phần tư nhân Partners Group nhằm thực hiện “Kế hoạch tạo ra giá trị chuyển đổi”, củng cố vị thế tại thị trường Trung Quốc. Partners Group cũng sẽ tham gia cùng cổ đông lớn Kuehne + Nagel Group với một ghế trong Hội đồng quản trị Apex.

Ngoài ra phải kể đến những phi vụ khác như vào tháng 8/2021, A.P. Moller-Maersk đã mua hai công ty logistics thương mại điện tử với giá trị 924 triệu USD bao gồm: Visible Supply Chain Management LLC (Hoa Kỳ) và công ty B2C Europe (Hà Lan). Hay phi vụ Jas Worldwide đang thực hiện thương vụ mua lại Greencarrier Freight Services (một công ty con của Greencarrier Group, chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hóa, hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng).

  • Lĩnh vực Kho bãi

Lineage Logistics, LLC – công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh đã mua lại Hanson Logistics – công ty cung cấp giải pháp logistics lạnh lớn thứ 12 tại Bắc Mỹ (theo Hiệp hội kho hàng lạnh quốc tế (IARW)) – một công ty được đánh giá là công ty gia đình đã có chất lượng phục vụ khách hàng rất tốt. Việc mua lại Hanson diễn ra sau thông báo của Lineage về năm thương vụ mua lại khác ở Bắc Mỹ vào đầu năm nay. Trong đó Lineage đã mua thêm 2 nhà cung cấp kho lạnh để tăng cường các hoạt động trong nước của mình bao gồm: Marc Villeneuve, dịch vụ phân phối trực tiếp đến cửa hàng ở Montreal và kho lạnh Orefield, bao gồm ba địa điểm ở Đông Pennsylvania.

  • Lĩnh vực Vận tải biển

Tháng 7/2021, Hapag-Lloyd đã chốt thành công thương vụ mua lại công ty vận tải container Hà Lan Nile Dutch Investments BV (NileDutch). Sau khi ký kết hợp đồng mua bán vào tháng 3, Hapag-Lloyd hiện đã chính thức mua lại toàn bộ cổ phần của công ty.

NileDutch là một trong những công ty vận chuyển hàng đầu dọc theo bờ biển Tây Phi. Trụ sở chính đặt tại Rotterdam, NileDutch có mặt tại 85 địa điểm trên toàn thế giới và có 16 văn phòng tại Hà Lan, Bỉ, Pháp, Singapore, Trung Quốc, Angola, Congo và Cameroon. Công ty cũng sở hữu 7 dịch vụ tàu, sức chở khoảng 35.000 teu, và đội tàu container với sức chở khoảng 80.000 teu. Mục tiêu của phi vụ thu mua này là giúp cho Hapag-Lloyd đẩy mạnh khai thác thị trường vận tải ở Tây Phi. 

Tháng 9/2021, Tập đoàn vận tải châu Âu Samskip đã mở rộng hoạt động ở Baltic bằng cách mua lại Sea Connect chuyên về tàu biển. Công ty vận tải biển có trụ sở tại Klaipeda, sẽ được đổi tên thành Samskip Sea Connect, cung cấp các dịch vụ đi biển ngắn kết nối Nga, Lithuania, Đan Mạch, Đức và Hà Lan. Việc mua lại nhà khai thác shortea ở Baltic một lần nữa mở rộng liên kết khu vực vào mạng lưới đa phương thức toàn châu Âu của Samskip.

  • Lĩnh vực Vận tải hàng không

Năm 2020, phi vụ sáp nhập của hai hãng hàng không lớn của Hàn Quốc là Korean Air và Asian Airlines được công bố, tuy nhiên vẫn còn nhiều thủ tục cần được hoàn thành nên quá trình hoàn tất phi vụ này được dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024. Được biết phi vụ này có giá trị lên tới 1.6 tỷ đô. Thỏa thuận này bao gồm các công ty con của Asiana gồm hãng hàng không giá rẻ Air Seoul và Air Busan. Sau khi thương vụ này hoàn tất, Korea Air sẽ trở thành 1 trong 10 hãng hãng hàng không hàng đầu thế giới.

M&A tại Việt Nam năm 2021

M&A tại Việt Nam năm 2021
M&A tại Việt Nam năm 2021

Bất chấp đại dịch, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu qua hải quan tại TP.HCM vẫn đạt 116 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Mỗi năm, GRDP của TP.HCM đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó lĩnh vực logistics đóng góp trên 117.000 tỷ đồng, tương đương 8,6% GRDP toàn Thành phố, tuy nhiên, trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu, logistics chiếm hơn 19%. Điều này chứng minh một thực tế, việc đầu tư cho logistics chưa được nhiều, bởi các doanh nghiệp chủ yếu phát triển tự phát và chưa được quy hoạch phát triển bài bản. Ngoài ra, tỷ trọng chi phí logistics đang chiếm đến 5% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ hiện đại. 

Vì thế M&A là phương án cho các doanh nghiệp Logistics để  tăng quy mô về nhân lực, vốn, kỹ năng quản trị. 

Trong đó, một phi vụ gây chú ý trong năm 2021 là Dương Minh Logistic nhận 15 triệu USD từ một nhà đầu tư giấu tên. Tương tự, tháng 5/2021, hai startup hàng đầu Indonesia thông báo hợp nhất để tạo ra một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Đông Nam Á. Được biết sau khi sáp nhập Gojek và Tokopedia cho biết sẽ hợp tác trên 3 lĩnh vực, trong đó ưu tiên logistics và Việt Nam là một trong những thị trường lớn bằng việc cùng nhau thành lập nên doanh nghiệp Go to Group. 

Trước đó, Công ty CP Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Corp.) cũng đã mua lại Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans Group). Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ITL Corp. tại Sotrans Group được nâng lên mức gần 97%.

Việc ITL Corp mua Sotrans Group sẽ giúp công ty này hoàn thiện hơn trong việc tận dụng năng lực của một doanh nghiệp đứng đầu về thị trường hàng không với một doanh nghiệp dẫn đầu về cảng, logistics cảng và ICD. Qua đó, mang lại cho các khách hàng của cả hai công ty các lợi ích thiết thực và giá trị gia tăng thông qua các dịch vụ logistics tích hợp, đa dạng và tối ưu về mặt chi phí.

Dự đoán tiềm năng của xu hướng M&A

M&A là con đường ngắn nhất để nhanh chóng tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh mới, mở rộng thị phần, bổ sung nhân tài cũng như hoàn thiện hệ sinh thái để cấu trúc lại sau đại dịch. Dự kiến, năm 2022 là một năm bùng nổ trở lại sau dịch của nền kinh tế, và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, logistics, năng lượng…

Nội dung: Thái Ngọc

Hình ảnh: Đức Huy