Theo tờ Supply Chain Digital, sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây thiệt hại hàng nghìn đến hàng triệu bảng Anh cho các doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid. Tuy nhiên, những mất mát này là hoàn toàn có thể giảm thiểu được nhờ việc có được một chuỗi cung ứng đàn hồi. Trong một khảo sát vào năm 2020 bởi công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, 93% những nhà điều hành chuỗi cung ứng được khảo sát từ khắp nơi trên thế giới nói rằng họ đang cố gắng làm cho chuỗi cung ứng của mình ngày càng đàn hồi hơn.  Vì vậy bạn đừng ngần ngại sắm ngay cho bản thân những kiến thức bổ ích liên quan đến chuỗi cung ứng đàn hồi được đề cập dưới đây nhé. 

Vậy rốt cuộc chuỗi cung ứng đàn hồi là gì và ta có thể ứng dụng nó như thế nào trong thời kỳ hậu Covid ?

1. Thế nào là một chuỗi cung ứng đàn hồi (Supply Chain Resilience)?

Theo APICS, chuỗi cung ứng đàn hồi là là chuỗi cung ứng khả năng dự đoán để tránh hay làm giảm cũng như phục hồi nhanh chóng trước những sự gián đoạn.

Chuỗi cung ứng đàn hồi bao gồm hai phần chính bao gồm khả năng kháng cự và khả năng phục hồi. Trong đó, khả năng kháng cự là việc có thể giảm thiểu tác động của sự gián đoạn bằng cách tránh hoàn toàn và rút ngắn khoảng thời gian giữa lúc chuỗi cung ứng bắt đầu bị gián đoạn và phục hồi. Khả năng phục hồi là khả năng có thể quay lại bình thường kể từ khi chuỗi cung ứng bắt đầu gián đoạn, đặc trưng của nó là đã được trải qua một giai đoạn bình ổn.

2. Những lợi ích của chuỗi cung ứng đàn hồi

    • Vận hành hiệu quả : Đối với những chuỗi cung ứng có độ đàn hồi cao thì việc giảm thiểu rủi ro và đầu tư vào nghiên cứu phát triển nhiều là điều tất yếu. Trong một phân tích toàn cầu vào năm 2020, Bain & Company nói rằng những công ty ưu tiên đầu tư vào độ đàn hồi của chuỗi cung ứng đã giảm thiểu 60% vòng đời phát triển sản phẩm và có thể mở rộng quy mô sản xuất thêm 25%.
    • Nâng năng suất trở lại trước khi bị lũng đoạn : Những người quản lý chuỗi cung ứng tham gia khảo sát nói rằng nâng hiệu suất trở lại là kết quả tất yếu của chuỗi cung ứng đàn hồi. Khi đó, các công ty đã mở rộng việc sử dụng nhiều loại máy, tăng số lượng nhà cung cấp và tăng lượng tồn kho với những loại hàng quan trọng, những điều này đã giúp cho những chỉ số về năng suất dần trở lại quỹ đạo ban đầu.
    • Giảm rủi ro: Việc vận hành chuỗi cung ứng thường mang lại nhiều rủi ro và thiệt hại cho các công ty. Nói rõ hơn, chuỗi cung ứng thường phân tán khắp nơi và khá phức tạp. Chuỗi cung ứng đàn hồi giảm thiểu rủi ro bằng cách cho doanh nghiệp một cái nhìn toàn diện về việc vận hành khắp hệ thống.

3. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng chuỗi cung ứng đàn hồi hậu Covid-19

3.1. Thành lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng đàn hồi

“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng“

Do đó, doanh nghiệp phải đo lường được mức độ đàn hồi chuỗi cung ứng của mình. Sau đó là nắm rõ toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng nhằm xác định chính xác những gì sẽ phải đánh đổi khi xây dựng nên kế hoạch này. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá mức độ quan trọng của các danh mục sản phẩm và không được giữ thái độ chủ quan.

3.2. Xây dựng nguồn lực cần thiết để có thể dự đoán trước những gián đoạn có thể xảy ra

Doanh nghiệp phải có những hệ thống và quá trình rõ ràng về chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, ngoài việc không ngừng mở rộng nghiên cứu các yếu tố khả thi gây rủi ro cho tương lai, doanh nghiệp còn phải tập trung đầu tư vào phần mềm quản trị rủi ro dự án của mình. Cuối cùng,  vì sự thay đổi liên tục của công nghệ, quy trình, nhân công và cơ sở kỹ thuật, doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá và phát triển Kế hoạch kinh doanh liên tục (Business Continuity Planning – BCP). Theo Business Continuity Institute, 49% người được khảo sát nói rằng việc quản trị rủi ro dây chuyền cung ứng đã được “quan tâm nhiều hơn”  sau giai đoạn bùng nổ COVID-19 và 27,4% trong số đó này nói rằng việc này “đặc biệt được quan tâm” 

3.3. Xây dựng khả năng cần thiết để có thể kháng cự lại sự gián đoạn 

Doanh nghiệp phải từ từ đa dạng hóa cơ sở cung ứng, quy mô sản xuất, “mang” cơ sở sản xuất đến gần với khách hàng của mình hơn, tập trung vào việc lấy khách hàng làm trung tâm và sử dụng công nghệ mạnh mẽ để hiểu sâu về khách hàng. Bên cạnh đó, họ còn phải đầu tư vào bộ phận phát triển sản phẩm để tìm những nguyên liệu thay thế cho những nguyên liệu quan trọng. 

 3.4. Xây dựng khả năng cần thiết để có thể phục hồi nhanh chóng trong trường hợp sự gián đoạn xảy ra

Việc chuẩn hóa máy móc và quá trình sản xuất cũng như nguyên nhiên vật liệu đầu vào là vô cùng cần thiết. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tạo những mối quan hệ vững chắc với nhiều đối tác thông qua việc hợp tác và chia sẻ dữ liệu. Việc minh bạch về thông tin là rất quan trọng, gần 60% ( nguồn: SAP Insights ) các tổ chức được khảo sát dự định sẽ tăng độ chia sẻ dữ liệu với những đối tác từ nhiều mảng khác nhau như nhà cung cấp, nhà thầu, nhà phân phối và các cửa hàng.

Nội dung: Trúc Quỳnh

Hình ảnh: Minh Nguyên