Quản trị chuỗi cung ứng: Từ chiến tranh cổ đại đến những chân trời trong tương lai.

Khởi nguồn của Supply Chain Management.

Supply Chain Management với tư cách là một ngành nghiên cứu khoa học có khởi nguồn từ Industrial Engineering và Operations Research. Fredrick Taylor, người viết cuốn The Principles of Scientific Management vào năm 1911 và được xem là cha đẻ của Industrial Engineering, đã tập trung nghiên cứu của mình vào việc cải thiện quy trình xử lý nguyên vật liệu thủ công. Operations Research ra đời từ khi các nhà khoa học chứng minh được những giá trị của thuật phân tích trong nghiên cứu các vấn đề của hậu cần quân sự trong những năm 1940 do nhu cầu phức tạp của Thế Chiến II. Tuy Industrial Engineering và Operations Research mỗi lãnh vực đều đã cố gắng phân biệt rõ ràng với nhau, nhưng nhiều thành tựu lớn nhất trong cả hai ngành nghiên cứu đều hội tụ tại các phương pháp xử lý vấn đề của Logistics và Supply Chain. Ngày càng phổ biến điều này được đề cập tới bởi giới doanh nghiệp là Supply Chain Engineering.

Sự xuất hiện lâu đời của các hoạt động trong chuỗi cung ứng.

Tuy vậy, các hoạt động trong chuỗi cung ứng đã xuất hiện từ rất lâu đời. Kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất, nhu cầu xử lý vật chất, vận chuyển và lưu trữ đã tự nhiên xuất hiện theo. Các hoạt động này, thật đáng ngạc nhiên, đã được con người áp dụng tư duy và trí tuệ tuyệt vời của mình để phát triển, tối ưu hóa thành các quy trình mang hàm lượng khoa học cao. Và chiến tranh, như một thực thể gắn liền với loài người hàng ngàn năm nay, lại chính là cái nôi để nuôi dưỡng, hình thành và trình diễn nghệ thuật quản trị vật chất tinh hoa của con người.

Alexander Đại Đế đã thành công như thế nào?

Alexander Đại Đế, vị Hoàng Đế vĩ đại của xứ Macedonia (Hy Lạp), đã chinh phạt khắp trên hành tinh này từ thuở Trái Đất vẫn còn là một điều bí ẩn. Nhưng nếu nghĩ Alexander đã đánh thắng quân thù chỉ bằng sức mạnh quân sự hùng hậu thì quả là sai lầm. Quân đội Alexander được tổ chức rất quy củ và chặt chẽ, sử dụng lấy ít thắng nhiều, lấy nhanh thắng chậm và luôn gây bất ngờ và bối rối cho đối phương.

Để làm được điều này, Alexander đã áp dụng điều mà ngày nay chúng ta hiểu là sự phản ứng nhanh nhạy (responsiveness) và tính linh hoạt (flexibility) trong chuỗi cung ứng. Quân đội của ông tự mang theo các gói hành lý, nhu yếu phẩm cho chuyến hành quân của mình. Các gói nhu yếu phẩm được chia nhỏ, đóng gói đặc biệt, giảm bớt trọng lượng và chất trên lưng tráng sĩ, thay vì được vận tải riêng bằng một lực lượng hậu cần theo sau. Push/Pull Boundary cũng được nghiên cứu áp dụng biến hóa khi lực lượng tổng trừ bị ở phía sau luôn giữ một khoảng cách nhất định với tiền tuyến, đảm bảo lương thực hậu phương tập kết tại đây có thể cân bằng cung cầu, không quá xa hậu phương, cũng không gây khó khăn khi tiếp ứng tiền tuyến. Mở màn chiến dịch mới, Alexander luôn tìm cách thương lượng với đối phương trước, đàm phán tiếp ứng quân nhu vừa đủ cho quân đội của ông để từ đó làm bàn đạp đánh tiếp sang các mục tiêu khác. Khi vào chiến trận, Alexander không sử dụng biển người toàn bộ quân đội, mà chỉ cử một lực lượng nhỏ đặc biệt thu thập tình báo, lấy dữ liệu, phân tích chiến thuật và tiến vào trận chiến mà vẫn giữ nguyên phần lớn lực lượng ở phía sau, trừ khi chắc chắn về nguồn cung lương thực cho toàn bộ đại quân ở địa phận quân địch. Điểm tập kết quân lương được nghiên cứu chọn lựa kỹ càng sao cho Postponement được áp dụng tốt nhất. Lương thực từ nhiều nguồn được tập kết về đây dưới dạng thô, trước khi được đóng gói, tùy biến phù hợp với nhu cầu của nhiều quân chủng và sau đó mới được cắt gọn vừa miếng thành hành lý của từng chiến binh. Nhờ áp dụng tài tình nghệ thuật quản lý dòng vật chất, quân đội Alexander Đại Đế đánh đâu thắng đó, chinh phạt xuống tới tận nhiều quốc gia ở Tây Á và Trung Đông.

Cho đến kỷ nguyên Internet

Từ lịch sử hình thành trong chiến tranh, ngành khoa học quản lý dòng vật chất và dòng thông tin liên quan tiếp tục được nghiên cứu và phát triển. Qua thập kỷ 40-50 sơ khai bắt đầu, ngành khoa học quản lý dòng vật chất hiện đại tiếp tục tiến vào thập niên 60 với những thành tựu vượt bậc với sự xuất hiện của máy vi tính. Cuối thập kỷ 70 và đầu thập niên 80 chứng kiến sự lan rộng của máy tính cá nhân, và điều này đã mở ra cả chân trời mới cho nghiên cứu quản trị chuỗi cung ứng. Sự ra đời của Internet càng làm cho quản trị chuỗi cung ứng trở thành đề tài quan tâm đáng kể của cả giới học thuật và các nhà doanh nghiệp. Hợp tác (coordinate), thống nhất và tăng cường giao tiếp trong chuỗi cung ứng trở thành những cụm từ xuất hiện nhiều trong textbook và bài nghiên cứu khoa học. Và cho đến hôm nay, kỷ nguyên của Internet of Thing thống trị toàn cầu, công nghệ thông tin xuất hiện khắp nơi, gây ảnh hưởng to lớn đến cấu trúc nền tảng của khoa học quản trị chuỗi cung ứng.

Dữ liệu từ khắp nơi trở nên dễ dàng thu thập và sẵn có. Không chỉ vậy, tốc độ thu thập dữ liệu cũng gia tăng đến chóng mặt với sự trợ giúp của công nghệ truyền thông hiện đại. Sở hữu khả năng phân tích, sắp xếp và nghiên cứu được khối dữ liệu to lớn nhưng rất hỗn độn này sẽ mở ra tiềm năng cải thiện quy trình, tiết kiệm chi phí và tăng độ hiệu quả đến mức đáng kinh ngạc cho các doanh nghiệp. Big Data Analysis (BDA) trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi doanh nghiệp thức thời và hiểu về tầm quan trọng của công nghệ. Dữ liệu từ Transport Management System (tuyến đường, thời gian dừng nghỉ của tài xế, vận tốc chuyến đi, nhiệt độ của kho lạnh sau xe…) hay từ Warehouse Management System (hình ảnh về mức tồn kho ghi nhận được từ camera, thời gian bốc hàng của công nhân, tuyến đường thường đi của lift truck…) nếu được phân tích kỹ càng, và kết hợp với những công nghệ hiện đại khác như Machine Learning có thể tự động hóa các quy trình và giải phóng con người ra khỏi các công việc nguy hiểm, cực nhọc. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí trong khi vẫn phát triển bền vững, tất cả đều có thể đạt được nếu ngành khoa học quản trị chuỗi cung ứng có thể tiếp tục phát triển vượt trội như nó đã từng liên tục trong quá khứ.

Tương lai của Supply Chain Management

Con người, sản phẩm độc đáo và tuyệt vời của tạo hóa, sở hữu khả năng đặc biệt của tư duy: óc sáng tạo, đã biết áp dụng trí tuệ của mình vào cải thiện và tối ưu hóa khoa học quản trị dòng vật chất. Được trui rèn qua các biến cố trong lịch sử, cho tới nay, Supply Chain Management đã trở thành một ngành khoa học tinh vi và phức tạp, đủ để thỏa mãn đam mê cho bất kỳ bộ óc tò mò và ham hiểu biết nào. Nhưng tiềm năng của chúng vẫn còn nằm ở phía chân trời xa, nơi con người tiếp tục viết nên lịch sử của mình.