Với sự hội tụ hoàn hảo của các yếu tố về nhân công, lao động là các kỹ sư trình độ công nghệ cao, hệ thống hậu cần toàn diện và chính sách thuế ưu đãi, Trung Quốc trở thành đơn vị outsourcing lí tưởng cho các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 đã hình thành một quan niệm khác về “công xưởng của thế giới”, khi mà thay cho “outsourcing” (thuê ngoài), chính phủ Mỹ bắt đầu sử dụng từ ngữ mới là “expensing”.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước làn sóng M&A của Trung Quốc hậu Covid 19
Chuỗi cung ứng toàn cầu trước làn sóng M&A của Trung Quốc hậu Covid 19

1. Chuỗi cung ứng dịch chuyển

Với sự hội tụ hoàn hảo của các yếu tố về nhân công, lao động là các kỹ sư trình độ công nghệ cao, hệ thống hậu cần toàn diện và chính sách thuế ưu đãi, Trung Quốc trở thành đơn vị outsourcing lí tưởng cho các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 đã hình thành một quan niệm khác về “công xưởng của thế giới”, khi mà thay cho “outsourcing” (thuê ngoài), chính phủ Mỹ bắt đầu sử dụng từ ngữ mới là “expensing”. Theo đó, nước này sẵn sàng chi trả 100% chi phí cho các công ti Mỹ rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang Mỹ hoặc các nước tiềm năng khác. Báo cáo mới nhất của tờ The Economics cũng chỉ ra rằng đang có sự đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa trở thành nội địa hóa, khu vực hóa chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Điều này không khó lí giải vì sự sự phụ thuộc ngày càng mạnh mẽ vào “công xưởng thế giới” chắc chắn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với các cường quốc. Thêm vào đó, bài học từ sự kiện khủng hoảng dầu mở 1973 hay sự cắt giảm lượng đất hiếm xuất sang Nhật của Trung Quốc năm 2010 và hiện tại là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ Trung Quốc do dịch Covid 19 đã thúc đẩy xu hướng giảm tối đa sự lệ thuộc vào một thị trường hoặc một đối tác có tính chi phối.

2. Trung Quốc có chịu khoanh tay đứng nhìn?

Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, số thương vụ M&A thành công của các nhà đầu tư Trung Quốc – những người được xem là không có gì ngoài tiền, đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt con số 57 thương vụ, với giá trị khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 145 thương vụ khác được công bố nhưng chưa hoàn tất.

Điều gì khiến các doanh nghiệp Trung Quốc mạnh tay vung tiền vào các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) các doanh nghiệp nước ngoài như vậy? Rõ ràng, đây chính là làn sóng thâu tóm hậu Covid 19 – một cách ứng phó khôn ngoan, vừa để  không bị hất cẳng khỏi chuỗi cung ứng đang dịch chuyển sang hướng khu vực hóa, lại vừa duy trì được tầm ảnh hưởng.

Tham vọng lộ rõ khi nước này muốn thâu tóm gần như toàn bộ những doanh nghiệp đang suy yếu vì đại dịch COVID-19 và có thể trở thành những mục tiêu phát triển hấp dẫn. Mới đây nhất, ngân hàng nhân dân Trung Quốc PBOC đã nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại HDFC – ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ, trong khi quỹ đầu tư CNIC được Bắc Kinh hậu thuẫn cũng đang xem xét mua khoảng 10% cổ phần của Greenko Group, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ. 

3. Trung Quốc khôn ngoan, các quốc gia khác không phải kẻ khờ

Đáp trả động thái muốn “mua lại cả thế giới” của Trung Quốc,  Liên minh châu Âu ngay lập tức đã có những phản ứng quyết liệt. Cụ thể, EU đang tìm cách hoàn tất kế hoạch tham gia góp vốn cho các doanh nghiệp chủ chốt của khối, nhằm tránh nguy cơ các doanh nghiệp này bị nước ngoài thâu tóm. Sau những cảnh báo của Liên đoàn Công nghiệp châu Âu trong lĩnh vực sản xuất nhôm, gốm, thép, thủy tinh, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đại dịch ngày càng tỏ ra thận trọng trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, theo tờ The India Times, nước này đã sửa đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm cơ hội hoặc mua lại các công ty Ấn Độ, vốn đang suy yếu nghiêm trọng vì COVID-19. Tất cả các hoạt động đầu tư FDI từ các quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới trên bộ sẽ phải được chính quyền New Delhi phê chuẩn.

Một nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Nhật Bản cũng vừa công bố danh sách các công ty được coi là đối tượng hạn chế chế đầu tư từ nước ngoài. Danh sách này bao gồm 518 công ty thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp cốt lõi như sản xuất vũ khí, máy bay, không gian vũ trụ, điện nguyên tử, an ninh mạng, điện khí, gas… Theo đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trên 1% đối với các công ty cốt lõi này phải thông báo trước, để cơ quan quản lý kinh tế Nhật Bản xem xét. Danh sách công ty hạn chế đầu tư từ nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng.

Ngay cả Australia – đối tác thương mại chặt chẽ của Trung Quốc giờ đây cũng bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ hơn, sau nhiều năm niềm nở chào đón dòng vốn lớn và ổn định từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Cụ thể, Chính phủ Australia hiện đang yêu cầu tất cả các khoản đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự giám sát của Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu. Thời gian đánh giá, rà soát có thể kéo dài tới 6 tháng, thay vì mức 1 tháng như trước đây. Quy định này sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

4. Tương lai của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu

Khi chuỗi cung ứng dịch chuyển, doanh nghiệp Trung Quốc thất bại trong việc “thâu tóm thế giới”, “công xưởng thế giới” có nguy cơ sẽ đổ vỡ, khi mà chính quyền ông Trump đang ngày càng quyết liệt trong nỗ lực rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Thêm vào đó, sự phòng vệ của các nước Nhật, Ấn Độ, Australia… cũng cho thấy rõ ràng khuynh hướng giảm lệ thuộc vào thị trường 1,4 tỉ dân.

Liệu Trung Quốc có còn giữ vững vị thế của mình sau đại dịch Covid 19? Đây vẫn còn là câu hỏi chưa lời đáp. Trên thực tế, nhiều công ty Mỹ đã đầu tư lớn tại Trung Quốc, dù thấy rõ những rủi ro phát sinh từ Covid -19, thì việc triển khai những thay đổi lớn sẽ không dễ dàng như việc ra một tuyên bố. Tháng trước, khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải vẫn cho thấy khoảng 70% công ty không nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì Covid-19.

Phần lớn họ muốn ở lại, bởi một thị trường không thể thấp hơn, còn một số khác chưa tin tưởng vào khả năng có thể độc lập hoàn toàn với mạng lưới mà công xưởng thế giới đã tạo lập trong 30 năm qua.

Hơn nữa, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc mở rộng các nhà cung ứng, buộc nhà sản xuất phải “cân não” tới các chi phí tăng thêm, cách phản ứng trước biến cố và giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Việc này buộc các doanh nghiệp phải xem lại bài toán quản lý chuỗi cung ứng sao cho hiệu quả, cả ở khía cạnh chi phí, chất lượng và giao nhận, chưa kể các yếu tố khác như sức chịu đựng, phản ứng cũng như sự linh hoạt của doanh nghiệp.

Nguồn: LSC tổng hợp