Trụ cột an sinh xã hội và trách nhiệm của các tập đoàn đa quốc gia

Trụ cột an sinh xã hội là những tiêu chí cốt lõi dùng để đánh giá khả năng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề quan trọng đối với lực lượng lao động, khách hàng và cộng đồng. Những yếu tố liên quan đến lực lượng lao động bao gồm chất lượng lao động, sức khỏe và an toàn lao động, học tập và phát triển, đa dạng và cơ hội.

 Walmart tập trung vào nhũng vấn đề liên quan đến an toàn lao động, bình đẳng giới và chống nạn buôn người tại các đối tác nhà cung cấp.
Walmart tập trung vào nhũng vấn đề liên quan đến an toàn lao động, bình đẳng giới và chống nạn buôn người tại các đối tác nhà cung cấp.

Những yếu tố liên quan đến khách hàng bao gồm vấn đề về nhãn hiệu, minh bạch thông tin sản phẩm cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm đối với sức khỏe và tinh thần của khách hàng. Những vấn đề xã hội bao gồm vấn đề nhân quyền và những ảnh hưởng lên cộng đồng địa phương.

Trong các báo cáo trách nhiệm xã hội toàn cầu của mình, cả Walmart và Starbucks đều nhắc tới những yếu tố về xã hội. Cả hai công ty Walmart và Starbucks có điểm chung là đều lấy nguồn nguyên liệu từ một nhà cung cấp thứ ba trên toàn thế giới. Vì vậy, hoạt động liên quan đến lực lượng lao động đều liên quan đến phía nhà cung cấp.

Cụ thể, ông lớn lĩnh vực bán lẻ Walmart tập trung vào những vấn đề liên quan đến an toàn lao động, bình đẳng giới và chống nạn buôn người tại các đối tác nhà cung cấp. Công ty này đã tạo ra “Bộ quy chuẩn cho nhà cung cấp” mà trong đó yêu cầu các đối tác phải loại bỏ tình trạng khai thác lao động trẻ em, đảm bảo trả lương đúng theo luật định, đồng thời chu cấp đầy đủ chế độ y tế và an sinh xã hội cho nhân viên. Khi có sự xuất hiện của một bên thứ ba, việc lập nên một quy chuẩn vẫn chưa đủ. Walmart thậm chí còn lập nên một ban kiểm tra và rà soát cơ sở sản xuất của đối tác nhà cung cấp mỗi 6 đến 24 tháng.

Một số đợt thanh tra có thể do chính công ty thực hiện hoặc thuê một bên dịch vụ thứ ba. Walmart cho biết đã thực hiện 11.568 đợt kiểm tra trong năm 2012 và các đối tác cung cấp cho Walmart đã phải dừng sản xuất tại 214 nhà máy do vi phạm nghiêm trọng các quy tắc.

Tương tự như vậy, Starbucks cho biết thu mua nguyên liệu ngoài chiếm 95% của chuỗi cung ứng cà phê của mình, vì vậy cũng thực hiện những đợt thanh tra nhà cung cấp theo những quy tắc của mình như quy tắc C.A.F.E. (Coffee And Farmer Equity). Bên cạnh đó, các công ty lớn như Walmart và Starbucks cũng có trách nhiệm hỗ trợ những nhà cung cấp nhỏ lẻ tại những nền kinh tế đang phát triển nhằm bám sát những mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu chỉ áp dụng những quy chuẩn đơn thuần thì không đồng nghĩa với việc những nhà cung cấp sẽ có đủ khả năng thay đổi, thích ứng. Trong nghiên cứu năm 2013 của Diễn đàn Quản lý Chuỗi cung ứng toàn cầu của đại học Stanford cho thấy “quan hệ hợp tác và hỗ trợ với nhà cung cấp” liên hệ mật thiết với quá trình cải thiện trách nhiệm môi trường và xã hội cũng như tối ưu hóa chi phí vận hành.”

Chi phí thanh tra và tăng cường xây dựng năng lực tại phía nhà cung cấp thường do các doanh nghiệp đảm nhận, trong khi đó hầu hết lợi ích đều thuộc về phía nhà cung cấp mà các doanh nghiệp này hầu như không nhận được gì nhiều. Như đã đề cập về lý thuyết “bi kịch mảnh đất công” hay còn gọi là tình trạng “cha chung không ai khóc”, các công ty lớn thường không muốn bỏ đi nhiều nỗ lực để hỗ trợ khả năng và thanh tra các nhà cung cấp vì thiếu cơ chế “lợi ích chung” để vận hành. Đây chính là nút thắt lớn đối với các tập đoàn khi tiến tới phát triển bền vững và trách nhiệm cộng đồng.

Ví dụ, các nhà bán lẻ phương Tây và những thương hiệu lớn đã đáp trả sự phẫn nộ công chúng trong vụ hỏa hoạn nhà máy Rana Plaza gần Dhaka, Bangladesh bằng cách thúc đẩy xây dựng những biện pháp an toàn lao động. Thay vì góp tay vào xây dựng quy tắc chung, các công ty lại thành lập hai nhóm lợi ích khác nhau. Một nhóm có tên Hiệp định An toàn hỏa hoạn và lao động Bangladesh – bao gồm những nhãn hàng như H&M, Carrefour và Mango. Nhóm khác có tên là – Liên minh An toàn lao động công nhân Bangladesh – bao gồm 26 công ty đến từ Canada và Hoa Kỳ.

Hai nhóm này thường xuyên gây hấn với nhau, phá bỏ những nỗ lực chung của cộng đồng khi cố giải quyết vấn đề an toàn lao động.

“Một số thành viên của liên minh của Mỹ cho rằng phía mình có những động thái tích cực và quyết liệt hơn nhóm Hiệp định của châu Âu, trong khi đó phía Hiệp định thì cho rằng hành động của phe liên minh đang làm tình hình thêm trầm trọng,”

Như vậy, thiếu những thiện chí hợp tác đã làm cho nhiều dự án trách nhiệm cộng đồng đổ vỡ dù mục đích ban đầu của các công ty đa quốc gia này hoàn toàn tốt đẹp.

LSC biên tập

Previous articleMôi trường – Trụ cột quan trọng trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững
Next articleCâu chuyện CSR của IKEA: Từ lời nói cho đến hành động