IKEA – tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới – có một nguyên tắc quan trọng “Giá thấp nhưng không phải bằng mọi giá” (Low price but not at any price). Hãng đã áp dụng một cách sâu sắc nguyên tắc này vào hầu hết hoạt động kinh doanh và quản trị chuỗi cung ứng của mình. 

Một cửa hàng bán lẻ đồ nội thất của IKEA
Một cửa hàng bán lẻ đồ nội thất trong chuỗi cung ứng của IKEA

Bài viết dưới đây sẽ mang đến một cái nhìn chi tiết về cách mà IKEA thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường ở từng khâu của chuỗi cung ứng cũng như thông qua sự cộng tác với các tổ chức trên toàn cầu.

THIẾT KẾ SẢN PHẨM VÀ THU MUA NGUYÊN LIỆU

IKEA tự thiết kế các sản phẩm của mình. Tại khâu thiết kế, IKEA luôn kiểm tra để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về chức năng, chất lượng, hiệu quả phân phối và tác động đến môi trường. IKEA đã áp dụng nhiều giải pháp về thiết kế để tối thiểu hóa lượng nguyên liệu được sử dụng.

Ví dụ:

  • Một số loại bàn được sản xuất từ nhựa tái chế
  • Một số thảm trải sàn được làm từ các mảnh nguyên liệu thừa
  • Các sản phẩm như bình đựng nước được thiết kế để có thể xếp chồng lên nhau. Nhờ vậy, số sản phẩm xếp lên mỗi xe tải sẽ lớn hơn; từ đó giảm số chuyến xe và lượng nhiên liệu sử dụng cho vận chuyển.

Ngoài ra, IKEA cũng ban hành bộ quy tắc IWAY (IKEA Way of Purchasing Home Furnishing Products), trong đó bao gồm những chuẩn mực tối thiểu và các hướng dẫn nhằm giúp nhà cung cấp giảm thiểu tác động lên môi trường.

Theo IWAY, một sản phẩm đi vào sử dụng không nên có những ảnh hưởng nguy hiểm tới người tiêu dùng và môi trường xung quanh họ. Ví dụ, nguyên liệu tạo ra sản phẩm không nên gây dị ứng. Nếu sản phẩm tiêu thụ năng lượng, nó phải tiêu thụ một cách hiệu quả. Khi một sản phẩm kết thúc vòng đời, nó nên được tái chế và tái sử dụng để làm ra những sản phẩm khác.

SẢN XUẤT

Khâu sản xuất được IKEA thiết kế sao cho lượng nguyên liệu nhỏ nhất có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Chẳng hạn, IKEA tiết kiệm nguyên liệu bằng việc sản xuất chân rỗng cho đồ đạc (VD: ghế tựa OLGA). Bên cạnh đó, công ty còn sử dụng giấy tổ ong thay vì gỗ đặc để làm đầy phần ruột cho mặt bàn.

chuỗi cung ứng
Ghế tựa OLGA với chân ghế rỗng

Trong quá trình sản xuất, IKEA cũng yêu cầu các bên làm việc cho hãng áp dụng bộ quy tắc IWAY. Theo đó, nhà sản xuất cần đảm bảo thực hiện những điều sau:

  • Tuân thủ pháp luật quốc tế và quốc gia bản địa
  • Không sử dụng lao động trẻ em
  • Không sử dụng gỗ và keo dán từ những nguồn không bền vững
  • Giảm tối thiểu lượng rác và khí thải
  • Tăng cường tái chế
  • Tuân thủ các yêu cầu về sức khỏe và an toàn
  • Quan tâm môi trường
  • Chăm sóc nhân công

Để giám sát nhà sản xuất, IKEA thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra về tình trạng thực thi bộ quy tắc IWAY. Hoạt động thanh tra được thực hiện nhiều lần với mỗi cơ sở sản xuất, bao gồm việc nói chuyện với nhân công và kiểm tra các tài liệu, ghi chép.

BÁN LẺ

Bán lẻ là một giai đoạn đặc biệt của chuỗi cung ứng – không hề có khai thác tài nguyên hay tạo ra sản phẩm. Tuy vậy, IKEA vẫn áp dụng hợp lý chính sách phát triển bền vững ở giai đoạn này thông qua việc tính phí cho bao bì xách tay.

Một cửa hàng bán lẻ đồ nội thất của chuỗi cung ứng IKEA tại Aberdeen, Vương quốc Anh
Một cửa hàng bán lẻ đồ nội thất của IKEA tại Aberdeen, Vương quốc Anh

Hành động đó đã giúp các cửa hàng IKEA tại Vương quốc Anh giảm tới 95% lượng bao bì xách tay vào năm 2016. Đến tháng 6/2017, những bao bì này đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống bán lẻ trong chuỗi cung ứng IKEA ở Vương quốc Anh.   

HỢP TÁC VỚI UNICEF VÀ WWF

Ngoài những hành động trong kinh doanh, IKEA cũng cộng tác với một số tổ chức lớn nhằm bổ trợ cho chuỗi cung ứng bền vững.

Vào năm 2000, IKEA và UNICEF đã hợp tác thành lập một chương trình cộng đồng ở miền Bắc Ấn Độ. Mục tiêu của chương trình là ngăn ngừa lao động trẻ em bằng cách nâng cao nhận thức và tìm ra gốc rễ của tình trạng này. .

Ngoài UNICEF, IKEA cũng hợp tác với WWF (World Wildlife Fund) trong việc xúc tiến sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững trong chuỗi cung ứng. Hoạt động hợp tác đã mang lại những thành tựu đáng kể:

  • Một chuỗi khóa huấn luyện cho người dân ở Nga, Bulgaria, Romania và Trung Quốc về quản lý rừng có trách nhiệm
  • Sự phát triển của kế hoạch trồng rừng ở Trung Quốc
  • Nhiều buổi thuyết trình cho các nhà quản lý ở Latvia về những ích lợi của hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm (responsible forestry)

Là một doanh nghiệp nội thất toàn cầu, IKEA đã lựa chọn con đường phát triển bền vững, thay vì chỉ tập trung gia tăng lợi nhuận và thị phần. IKEA giúp đối tác cung ứng hiểu được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng bền vững và xây dựng hình ảnh một công ty có trách nhiệm mà người tiêu dùng có thể tin tưởng.

Đó cũng chính là điều làm nên sự khác biệt của IKEA so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo Businesscasestudy