Tính bền vững về mặt môi trường được đo lường thông qua ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty lên môi trường, bao gồm không khí, đất, nước và hệ sinh thái. Các động thái cải thiện môi trường đến từ một doanh nghiệp điển hình có thể kể đến là giảm thiểu tài nguyên sử dụng trong sản xuất, giảm lượng khí thải và cải tiến sản phẩm.

Môi trường – trụ cột quan trọng trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững

Các nguồn lực sử dụng bởi các doanh nghiệp bao gồm năng lượng, nguyên liệu, nước và đất. Giảm thiểu tài nguyên sử dụng trong sản xuất giúp tài nguyên thiên nhiên được kết hợp hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng. Thành công của Starbucks trong việc giảm 21% mức tiêu thụ nước tại các cửa hàng do công ty điều hành từ năm 2008 đến 2013, thông qua việc sử dụng các thiết bị hiệu suất cao và giám sát chặt chẽ lượng tiêu thụ, là một ví dụ nổi bật. Để cắt giảm tiêu thụ năng lượng, Walmart tập trung vào hệ thống HVAC (Heating, Ventilating, and Air Conditioning – Hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hoà không khí), ướp lạnh và chiếu sáng. Việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng tủ đông LED, tiếp theo là triển khai hệ thống chiếu sáng sàn bán hàng LED đã giúp công ty giảm mức tiêu thụ năng lượng tại các cửa hàng của mình. Theo Báo cáo Trách nhiệm toàn cầu 2013 từ Walmart, lượng tiêu thụ nhiên liệu vào năm 2012 đã được cắt giảm, cụ thể là “giao nhiều hơn 297 triệu kiện hàng trong khi lái xe ít hơn 11 triệu dặm.” Hoạt động cắt giảm sử dụng tài nguyên không chỉ có ích cho môi trường, mà còn tiết kiệm tiền cho công ty. Ví dụ, Walmart tuyên bố rằng hiệu suất vận chuyển và nhiên liệu được cải thiện đã giúp tiết kiệm cho công ty và khách hàng gần 130 triệu USD.”

Các hoạt động giảm chất thải làm giảm khí thải nguy hiểm (ví dụ: khí thải nhà kính), rác thải, nước thải cũng như tác động môi trường của công ty đối với cộng đồng. Từ thực tế rằng có đến khoảng 80% lượng khí thải nhà kính trực tiếp của Starbucks đến từ nhiên liệu được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các cửa hàng và cơ sở vật chất, công ty đã tập trung vào việc xây dựng các cửa hàng mới đủ tiêu chuẩn đạt chứng nhận U.S. Green Building Council’s Leadership in Energy and Environmental Design (LEED). Trong năm 2012 và 2013, khoảng 65% các cửa hàng Starbucks mới đã nhận chứng nhận LEED. Túi mua sắm sử dụng một lần là một nguồn chất thải đáng kể; các nhà bán lẻ đã bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thuyết phục khách hàng chuyển sang túi sử dụng nhiều lần. Nỗ lực này tỏ ra khá thành công ở hầu hết các nơi trên thế giới mà nó đã thực hiện. Walmart tuyên bố đã giảm hơn 38% lượng chất thải đến từ túi nhựa mua sắm trên mỗi cửa hàng trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013.

Đổi mới sản phẩm phản ánh khả năng của công ty trong việc cắt giảm chi phí và gánh nặng môi trường đối với khách hàng thông qua việc phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ có hiệu quả sinh thái cao. Mặc dù có một loạt các ví dụ về cải tiến sản phẩm thân thiện với môi trường, đây cũng là một lĩnh vực mà hầu hết các tuyên bố vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Theo một nghiên cứu do công ty tư vấn tiếp thị TerraChoice thực hiện, “hơn 98% các sản phẩm được cho là tự nhiên và thân thiện với môi trường trên kệ các siêu thị tại Mỹ đang đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm, và 22% các sản phẩm đang đưa ra những tuyên bố xanh mà không hề gắn liền với mục đích vốn có thực sự của bảo vệ môi trường.” Thuật ngữ “greenwashing” từ đó ra đời nhằm ám chỉ các sản phẩm và hành vi có vẻ “xanh” nhưng về cơ bản lại là nhằm mục đích tăng trưởng lợi nhuận.

Khi bắt đầu hành trình cải thiện tính bền vững của mình, một công ty nên trước hết tập trung vào các hoạt động giảm thiểu sử dụng tài nguyên. Dù là giảm nguyên liệu đóng gói, mức sử dụng năng lượng hay vận chuyển, các hoạt động cắt giảm tài nguyên mang tính khả thi cao nhất trong việc vừa bảo vệ môi trường lẫn cải thiện lợi nhuận. Những thành công đó sẽ đem đến động lực để thực hiện các hoạt động vì tính bền vững nhiều thách thức hơn. Thúc đẩy cắt giảm tài nguyên có thể kèm theo cả những gia tăng trong chi phí nhiên liệu và vận chuyển. Khi chi phí vận chuyển tăng lên, mạng lưới chuỗi cung ứng có khả năng trở nên giới hạn trong khu vực hơn, giúp giảm lượng khí thải từ giao thông vận tải. Tuy nhiên, về lâu dài, những lợi ích lớn nhất cho xã hội thường tích lũy khi các công ty xem xét các yếu tố xã hội và môi trường khi đưa ra quyết định tìm nguồn cung ứng. Thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực cải thiện xã hội và môi trường chính là thực tế rằng trong khi hầu hết các nỗ lực là của một công ty (và có thể là chuỗi cung ứng của họ), lợi ích lại được phân phối rộng rãi hơn nhiều. Thực tế này cũng khó khăn trong việc đo lường mọi thay đổi trên phạm vi toàn bộ chuỗi cung ứng có thể khiến tiến độ thực sự bị chậm lại trong khi các công ty tiếp tục tuyên bố họ đã thực hiện những cải tiến lớn liên quan đến tính bền vững.

Biên tập: Thùy Ngân