Từ sinh viên kỹ thuật đến Quản lý bộ phận Supply Chain tại Nestlé: Đâu là “cánh cửa” cho sinh viên trái ngành?

Anh Phạm Hữu Chính
Anh Phạm Hữu Chính
Với xuất phát điểm là sinh viên kỹ thuật chuyên ngành cơ khí chế tạo, anh Chính đã “bén duyên” với Supply Chain một cách thật tình cờ. Và sự tình cờ ấy, bằng cách nào đó, lại mở ra cho anh nhiều cơ hội mà chính anh cũng không ngờ tới.

Trong buổi trò chuyện cùng SCMission, anh Chính đã đem đến nhiều thông tin hữu dụng về những thay đổi của các doanh nghiệp trong thời kỳ “Bình thường mới” cũng như lời khuyên cho các sinh viên muốn theo đuổi ngành Logistics & Quản trị chuỗi cung ứng. Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn.

SCMISSION WEBINAR 2022 – WE ARE BACK!

Q: Anh có thể chia sẻ đôi nét về bản thân mình được không ạ?

A: Về học vấn, xuất phát điểm của anh là sinh viên chuyên ngành kỹ thuật. Sau đó, anh học quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh.

Về công việc, tại công ty đầu tiên, anh từng làm việc ở phòng kỹ thuật, sau đó là phụ trách xưởng sản xuất của nhà máy trước khi chuyển sang công ty tiếp theo. Anh từng phụ trách hoàn toàn mảng Physical Logistics (về Warehousing và Transportation) của 3 nhà máy tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và Bình Chuẩn của một công ty gỗ. Sau đó, anh chuyển về Amata (lúc bấy giờ trực thuộc công ty Gannon (Mỹ), tiền thân Nhà máy Bình An Nestlé bây giờ). 

Công ty anh khi ấy chuyên gia công các sản phẩm sữa nước cho các công ty khác, đặc biệt với những sản phẩm ở quy mô nhỏ. Một số đối tác của anh lúc ấy có thể kể đến như Vinamilk, Nestlé, Abbott, hay kể cả Pepsi, Hanoi Milk,..

Đến tháng 11/2011, Nestlé mua lại nhà máy của công ty Gannon (nay là nhà máy Bình An – Nestlé). Đó cũng là thời điểm anh tham gia Nestlé với vai trò MRP Manager (tương đương Supply Chain Manager) của nhà máy, phụ trách mảng Planning và Logistics. Sau đó 2 năm, anh chuyển sang nhà máy Trị An với chức vụ tương tự. Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, anh phụ trách công việc đó ở cả hai nhà máy Bình An (phụ trách sữa tiệt trùng uống liền) và Trị An (chủ yếu sản xuất và xuất khẩu cà phê).

Q: Từ xuất phát điểm là sinh viên kỹ thuật, không biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng như hiện tại?

A: Thật sự khi ấy anh cũng không xác định được ngành mình thích là gì, chỉ đi theo định hướng gia đình. Có điều sau khi làm việc trong ngành kỹ thuật, anh nhận ra mình không yêu thích công việc này lắm, dù kiến thức ở ngành kỹ thuật hỗ trợ anh rất nhiều ở mảng logistics. 

Về cơ duyện… thật ra đó là sự tình cờ. Khi làm kĩ thuật, anh từng phải lắp đặt, sửa chữa các dây chuyền của chuỗi sản xuất. Sau khi chuyển sang phụ trách sản xuất, anh lại có cơ hội phụ trách nhiều đầu việc hơn liên quan mảng logistics, như quản lý các vấn đề liên quan nguyên vật liệu, nhận – trả giữa khu cản xuất và kho hay phụ trách các thiết bị về xe nâng, lưu trữ hàng hóa,..

Cơ duyên thực sự đến khi anh xin việc vào vị trí Logistics Manager ở 1 công ty ngành gỗ ở khu chế xuất Linh Trung. Động lực khi ấy của anh là lương ở vị trí mới tăng gấp đôi. Dù chưa thực sự làm logistics nhưng khi đi phỏng vấn, anh phải chia sẻ rằng anh đã làm rất nhiều *cười*. 

Năm 2003, anh chuyển hoàn toàn sang ngành Logistics. Anh đã phải tự học rất nhiều, về trang thiết bị, hoạt động logistics, quản lý hoạt động xuất nhập hàng,… Anh dần cảm thấy yêu thích với công việc mới này. Kết quả là từ đó trở đi (2003 tới giờ), anh hoàn toàn cống hiến cho hoạt động Logistics & supply chain.

Cơ duyên đến với ngành - anh Phạm Hữu Chính
Cơ duyên đến với ngành – anh Phạm Hữu Chính

Q: Về bối cảnh Webinar 1 – “Bình thường mới”, theo anh, đâu là điểm khác biệt lớn nhất của các doanh nghiệp trong thời kì này so với khoảng thời gian trước đây?

A: Sự khác biệt lớn nhất – hay nôm na là thách thức lớn nhất – có thể nói là “violation” – tác động end-to-end (đầu cuối). 

Đầu tiên, sự ổn định và giá cả nguồn cung đang là vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp hiện tại. Chỉ so năm ngoái với năm nay, dự báo chi phí về nguyên vật liệu đầu vào tăng từ 30-40%. Ở khâu sản xuất cũng tồn tại 2 vấn đề khác: nhân sự và nhu cầu khách hàng. 

Về nhân sự, do tác động của Covid lên nhận thức người lao động, thiếu hụt nhân sự đã xảy ra khi người lao động bỏ về quê hay cách ly. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân sự cũng là vấn đề đáng lưu ý. 

Nhu cầu của khách hàng cũng biến động rất lớn và thay đổi một cách chóng mặt. Do tác động về kinh tế, khi thu nhập hạn chế hơn, người tiêu dùng cân nhắc kĩ hơn khi đánh giá và mua các sản phẩm. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến nhiều phòng ban khác như Sales hay Marketing 

Ở khâu Delivery (giao hàng), chi phí vận chuyển tăng đi kèm cách đảm bảo giao hàng đúng hạn cũng là một vấn đề khiến các doanh nghiệp đau đầu. 

Q: Với những thay đổi ấy, anh đánh giá thế nào về cơ hội việc làm của sinh viên trong ngành Logistics & Supply Chain?

A: Dù thế giới có ra sao, dòng chảy của các sản phẩm vẫn được duy trì. Chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải sinh hoạt. Để dòng chảy kinh tế vẫn tiếp tục chảy, hơn bao giờ hết, vai trò của Logistics & Supply Chain ở thời điểm này là cực kì quan trọng. Các doanh nghiệp đang rất cần một lực lượng – không chỉ là người, mà còn là người có năng lực, có khả năng làm việc tốt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận hành, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội.

Nhận định về nhu cầu các doanh nghiệp
Nhận định về nhu cầu các doanh nghiệp

Phải khẳng định rằng Logistics & Supply Chain đã – đang và đặc biệt đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn này, yêu cầu rất lớn lực lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Q: Anh có thể chia sẻ kĩ hơn về các vị trí và cơ hội làm việc trong ngành đối với các bạn sinh viên không ạ?

A: Đã nói đến Supply Chain tức là liên quan tất tần tật các phòng ban. Kể cả khi các em không học Supply Chain, cơ hội việc làm vẫn luôn rộng mở – như các bạn sales hay marketing vẫn có thể làm việc Supply Chain. Tuy nhiên, các bạn cần trang bị thêm kiến thức về các vấn đề như hành vi khách hàng, về các công cụ/phương thức thị trường, dự báo nhu cầu thị trường,.. Tùy vào yêu cầu phòng ban cụ thể.

Bên cạnh đó, vẫn có những chức năng phù hợp cho các bạn muốn theo đuổi chuyên sâu supply chain. Anh có thể sơ bộ các vị trí mà các bạn sinh viên có thể tham gia như sau.

Đầu tiên là phần nguyên vật liệu. Trước tiên cần nói về Sourcing (tìm nguồn) – ta có thể gọi chung là Procurement – mua hàng. Ở khâu này cũng có nhiều chức năng khác nhau. 

Ví dụ, Nestlé có 2 mảng chính của Procurement, gồm Strategic Buyer (người xây dựng chiến lược mua hàng), và Operational Buyer (người trực tiếp đặt hàng sau khi strategic buyer xác định nguồn/số lượng mua, đồng thời điều khiển để hàng về nhà máy theo đúng kế hoạch đã đề ra).

Tiếp theo, ở khâu planning, ta lại có demand planning và supply planning. Demand planning sẽ làm việc với sales/marketing để xác định nhu cầu của thị trường. Từ kế hoạch nhu cầu, supply planning sẽ lên kế hoạch cung ứng để xây dựng dự báo nhu cầu nguyên vật liệu & kế hoạch sản xuất (production planning). Production planning sẽ xây dựng dựa trên nhu cầu khách hàng và năng lực nội bộ (năng lực sản xuất).

Sau Production planning, phần warehousing cũng là giai đoạn quan trọng (physical logistics), liên quan đến các hoạt động của kho/vận tải/xuất nhập khẩu. Đây cũng là các hoạt động các bạn sinh viên có thể tham gia.

Q: Anh có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên về kỹ năng và kiến thức cần chuẩn bị trước khi tham gia vào các vị trí kể trên không ạ?

A: Về kiến thức, sự phối hợp là điều rất quan trọng. Có thể các em chỉ chuyên môn hóa ở một vị trí, ví dụ xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu em chỉ biết nghiệp vụ xuất nhập khẩu mà không biết các vị trí khác, việc phối hợp sẽ không thực sự tốt. Hay mặt khác, khi làm ở kho, các em cũng phải biết về vận tải, xuất nhập khẩu, mua bán… Như vậy, chúng ta thực hiện công việc cụ thể một cách tốt hơn.

Q: Khái quát lại, dù thực tế là một người không bao hết tất cả các vị trí, nhưng sẽ tốt hơn khi có thể hiểu đầy đủ các kiến thức end-to-end về logistics. 

A: Bên cạnh đó, các em còn phải xây dựng kinh nghiệm cho chính lĩnh vực em đang làm. Ví dụ, với xuất nhập khẩu, các em phải đào sâu các nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Hay khi làm kho, các em phải hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng khi vận hành kho cũng như cách quản lý tốt nhất các yếu tố đó.

Nói tóm lại, cần phải có hiểu biết rộng về toàn chuỗi, về các mảng của toàn chuỗi và cả kiến thức chuyên sâu về mảng mình theo đuổi.

Về kĩ năng, các kĩ năng mềm đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên kĩ năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh. Với môi trường làm việc mang tính toàn cầu, việc sử dụng ngoại ngữ để làm việc là điều đặc biệt cần thiết. 

Thêm vào đó, việc nắm được các phần mềm phục vụ công việc cùng là điều nên làm. Ví dụ, bên cạnh Word, Excel hay Powerpoint, các em còn nên biết sử dụng các phần mềm khác (như Power BI) để đẩy nhanh tốc độ tính toán, phục vụ việc hoạch định công việc.

Bên cạnh đó, cần phải chú trọng vào các kĩ năng khác liên quan tới hành vi con người. Hãy chuẩn bị mình khả năng học hỏi, thích ứng nhanh, đừng ngại khó. Không có thành công nào đến dễ dàng. Chỉ những người nào kiên định, vững vàng, quyết tâm dấn thân để đương đầu với những thử thách mới có cơ hội thành công thực sự. Hãy giữ thái độ, đạo đức tốt; biết quan tâm đến mọi người; có trách nhiệm với bản thân, với mọi người với xã hội. Hãy sống đẹp, sống biết suy nghĩ, biết hy sinh.

Lời khuyên của anh đối với sinh viên mới ra trường là hãy xông pha. Chưa quan trọng lương cao lương thấp, chưa quan trọng vị trí đó có xứng đáng với mình hay chưa – hãy đặt mục tiêu ít nhất 3 năm đầu để tích lũy kinh nghiệm. Khi trải nghiệm thực tế, đó cũng là lúc mình kiếm chứng những bài học mình đã học, thậm chí có thể rút ra những kinh nghiệm của mình. Đó chính là hành trang cho sự thành công ở phía sau. 

Đăng kí tham gia Webinar 2022 trước ngày 04/03/2022 để gặp gỡ và trò chuyện nhiều 
hơn với anh Phạm Hữu Chính tại: https://bit.ly/WebinarSCMission2022

Thông tin chi tiết: https://bit.ly/ChiTietWebinar2022
Previous articleChuỗi cung ứng nhanh nhạy – hướng phát triển cho doanh nghiệp hậu COVID-19
Next articleLàm thế nào để doanh nghiệp có thể có một chuỗi cung ứng đàn hồi hậu Covid-19