Làm thế nào trong bối cảnh lỗ triền miên, doanh nghiệp Hợp Thành vẫn “xoay sở” tiền để thâu tóm cảng Quy Nhơn và thậm chí dù không có kinh nghiệm vận hành cảnh biển, công ty tư nhân này vẫn đủ điều kiện để thực hiện thương vụ?
- Cảng Quy Nhơn: Vinalines sẽ mua lại 75,01% cổ phần từ nhà đầu tư tư nhân
- Nhà nước phải nắm quyền chi phối cảng Quy Nhơn
- Điểm mặt một số cảng biển quốc tế lớn trên thế giới
Tổng tài sản được kê lên tới hàng nghìn tỉ đồng, song bảng báo cáo tài chính của Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành, chủ cảng Quy Nhơn hiện nay, lại báo lỗ triền miên trong khi thực hiện thương vụ thâu tóm cảng Quy Nhơn.
Không xét đến khía cạnh hoạt động tài chính của công ty, các chuyên gia lại đang “xoáy” vào vấn đề tiền đâu để công ty Hợp Thành thâu tóm cảng Quy Nhơn, và tại sao dù không sở hữu tí kinh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, doanh nghiệp tư nhân này vẫn đạt điều kiện để quản lý cảng Quy Nhơn.
Lỗ lũy kế nhưng vẫn vung tiền “chơi lớn”
Thông tin từ hệ thống dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn (vốn điều lệ 168,28 tỷ đồng) khởi động quy trình cổ phần hóa vào tháng 11/2013 theo đề án đã duyệt. Vào thời điểm này, Công ty Hợp Thành (trụ sở 57 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mua lại 5,03 triệu cổ phần, sở hữu 12,46% vốn cổ phần cảng Quy Nhơn.
Sau thương vự trên, Hợp Thành đã cùng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trở thành cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn với số vốn điều lệ ban đầu là 404,09 tỷ đồng.
Đến tháng 4-2015, Công ty Hợp Thành tiếp tục mua thêm 24,77% cổ phần, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại cảng Quy Nhơn lên 37,23% cổ phần. Ngược lại, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Vinalines tại cảng Quy Nhơn giảm xuống còn 49%.
Bước ngoặt trong quá trình đổi chủ cảng Quy Nhơn diễn ra tháng 9-2015 khi Công ty Hợp Thành bỏ ra khoảng 198 tỉ đồng mua thêm 49% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn từ Vinalines, nâng tỉ lệ vốn sở hữu tại cảng Quy Nhơn lên 86,23% và chính thức trở thành doanh nghiệp sở hữu cảng biển có vị trí chiến lược quan trọng tại miền Trung.
Quy trình thâu tóm cảng Quy Nhóm kết thúc vào tháng 10/2015, công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thay đổi người đại diện pháp lý trong lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ VI. Ông Lê Hồng Thái, cổ đông sáng lập của Hợp Thành trở thành Tổng giám đốc mới của cảng Quy Nhơn.
Cho tới tháng 02/2017, Ủy ban Kiểm tra TW đã tiến hành thanh tra quy trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Lúc này, ông Thái đã chuyển 45% vốn Hợp Thành lại cho bà Trần Thị Quỳnh Yên – giám đốc công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.
Và trong nội dung thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ 15 (30-3-2017), ông Lê Hồng Thái – cổ đông sáng lập Hợp Thành – đã không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Hợp Thành.
Điều đáng nói là trong thời gian thực hiện thương vụ thâu tóm cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành liên tục thua lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Công ty Hợp Thành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này bị lỗ 154,4 tỉ đồng trong năm 2014, mức lỗ giảm xuống còn 39,6 tỉ đồng vào năm 2015 và trong năm 2016 doanh nghiệp này tiếp tục lỗ thêm 81 tỉ đồng.
Kẻ “Ngoại đạo” với lĩnh vực cảng biển
Vào thời điểm thâu tóm cổ phần cảng Quy Nhơn, công ty Hợp Thành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực không liên quan đến cảng biển, chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh các lĩnh vực: buôn bán nhiêu liệu dầu thô, xăng, khí đốt, sản phẩm liên quan, sản xuất sợi, săm lốp cao su, sản phẩm chất dẻo, nhựa tổng hợp.
Chỉ tính tới tháng 04/2013, trong quá trình mua lại đa số cổ phần cảng Quy Nhơn, Hợp Thành mới đăng ký bổ sung hàng loạt ngành nghề liên quan đến cảng biển, vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, vận tải hành khách đường thủy nội địa, kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bốc xếp hàng hóa.
Số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của công ty này đã tăng đột biến từ 9 lên 34 ngành nghề.
TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Nhà nước tiến hành cổ phần hóa cảng Quy Nhơn không ngoài mục đích tìm được nhà đầu tư chiến lược để cảng biển này phát triển hơn, bảo đảm đời sống của người lao động.
Do đó, việc bán cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành, một doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, khó có thể xem là lựa chọn hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Long, cần xem lại việc nới room cho doanh nghiệp tư nhân mua gần hết cổ phần cảng Quy Nhơn, được xem như là “yết hầu” trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường biển không chỉ của tỉnh Bình Định mà cả khu vực Nam Trung Bộ.
“Cảng Quy Nhơn là một cảng tiền tiêu rất quan trọng, không phải để bán đứt, đặc biệt là bán cho một doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên cần truy trách nhiệm người quyết định bán đứt cảng này” – ông Long nói.
Theo Tuoitre.vn