Ngày 17-9, kết luận thanh tra toàn diện của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã được công bố, qua đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.

Cảng Quy Nhơn - cảng biển chiến lược quan trọng bị cổ phần hóa với nhiều khuất tất.
Cảng Quy Nhơn – cảng biển chiến lược quan trọng bị cổ phần hóa với nhiều khuất tất.

Kết luận của TTCP chỉ ra quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, khuất tất để thâu tóm. Đơn vị định giá có nhiều vi phạm khi định giá cảng với “giá bèo” chỉ hơn 400 tỉ đồng, để sau đó phần lớn cổ phần thuộc về Công ty Hợp Thành, một doanh nghiệp chỉ chuyên về khai khoáng và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.

“75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ GTVT.” – Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Sai phạm khi thoái hết vốn nhà nước

Thông qua bản kết luận, TTCP xác định việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là chưa đúng với đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015.

Cụ thể, Thủ tướng và Bộ GTVT chỉ đạo cho phép UBND tỉnh Bình Định cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ nhưng sau đó tỉnh lại tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, bí thư Tỉnh ủy Bình Định còn có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Những việc làm này là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt (theo đề án, Nhà nước phải nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa cảng Quy Nhơn).

TTCP xác định: trách nhiệm thuộc về một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.

Tương tự, việc Bộ GTVT liên tiếp có văn bản đề nghị Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ pháp lý, thiếu cơ sở thực tiễn, không thực hiện hiệu quả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines.

Không chỉ vậy, Bộ GTVT còn chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán. Bộ đã ban hành hai văn bản chuyển nhượng 26,01% cổ phần và chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp mà không báo cáo và chưa được Thủ tướng cho phép. Đây là hành động trái thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định.

“Vì vậy, hai văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ GTVT” – TTCP kết luận.

Cẩu trục chuyên dùng bốc dỡ hàng hóa của cảng Quy Nhơn.
Cẩu trục chuyên dùng bốc dỡ hàng hóa tại cảng Quy Nhơn.

Bất thường trong khâu định giá

Theo kết luận thanh tra, giá trị thực tế của cảng Quy Nhơn tại thời điểm 31-3-2013 để cổ phần hóa là 513,823 tỉ đồng; nợ phải trả là 109,723 tỉ đồng; giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 192,579 tỉ đồng, giá trị thực tế vốn nhà nước xác định lại là hơn 404 tỉ đồng, tăng 211,52 tỉ đồng so với giá trị trên sổ sách kế toán. Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại đây là gần 537 tỉ đồng.

Tuy nhiên cơ quan thanh tra kết luận các đơn vị định giá đã có nhiều vi phạm trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp dẫn đến thẩm định giá sai, thiếu căn cứ. Đó là hai đơn vị: Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn thuế (ATC) – thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 26,01% cổ phần; Công ty hợp danh Kiểm toán Việt Nam (CPA) – thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 49% cổ phần.

Theo TTCP, đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về các công ty tư vấn (ATC, CPA) và các thẩm định viên; ngoài ra, không thể không kể tới phần trách nhiệm của HĐTV Vinalines, ban chỉ đạo cổ phần hóa, tổ giúp việc trong việc thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, giá cổ phần.

Trao đổi về vụ việc này, hai nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định là ông Tô Tử Thanh và ông Vũ Hoàng Hà đều cho rằng cảng Quy Nhơn có giá trị hàng ngàn tỉ đồng nhưng được cổ phần hóa 100% với giá chỉ hơn 400 tỉ là “rất bất thường”.

Một cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ phân tích: những vi phạm trong quá trình thẩm định giá được nêu trong kết luận cho thấy cảng Quy Nhơn đã bị làm giảm giá trị để bán cho tư nhân. Vị này nói: “Nếu như vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thì định giá với số liệu trên trời, tăng vọt lên để gây thiệt hại vốn nhà nước thì quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn vốn nhà nước bị định giá và bán với giá rất rẻ để bán cho tư nhân”.

Theo Tuoitre.vn