“Nhỏ mà có võ”, có lẽ là lời bình luận dành cho virus Corona, khi đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những rủi ro và điểm yếu trong việc cung ứng các nhu yếu phẩm và thiết bị phục vụ đời sống và sản xuất, chỉ ra sự phụ thuộc của chuỗi vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn như Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng là một hệ thống gồm nhiều mắt xích liên kết chặt chẽ qua lại với nhau, về cơ bản nó vận hành xoay quanh 3 dòng: vật liệu (material), thông tin (information) và tiền tệ (finance). Bản chất của chuỗi cung ứng là sự liền mạch và hợp tác (collaboration), nên khi có một tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng, làm gián đoạn đến một điểm trong một giai đoạn nào đó, thì cả chuỗi cung ứng sẽ bị tác động theo. Những sự bất ổn ấy luôn xảy ra hằng ngày, khiến rất khó để duy trì một hệ thống cố định mà vận hành trơn tru được.

Chính vì vậy, đã có rất nhiều công ty ngày càng đổi mới và vận hành theo nhiều phương pháp, nổi bật nhất là sự linh hoạt và co dãn của chuỗi cung ứng để đối phó với tình trạng bất ổn này. Năm 2020 vừa qua quả là một năm đầy khó khăn trên khắp thế giới, Covid-19 là một chủng dịch khó lường có nhiều biến thể và diễn ra ở một phạm vi rộng, do đó rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm điều chỉnh chuỗi cung ứng trở nên bền bỉ hơn.

Tuy nhiên, để tạo nên một kế hoạch mang tính xây dựng và những giải pháp mang tính triệt để, chúng ta cần phải suy xét và cân nhắc những vấn đề cốt lõi và những ảnh hưởng của Covid-19 lên chuỗi cung ứng như thế nào trong hơn 1 năm qua:

  • Vật liệu (Material): Vấn đề đến từ sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu cũng như hàng hóa được cung ứng từ các khu vực chịu tác động bởi nguồn dịch. Ví dụ như trong năm 2020, có rất nhiều công ty sản xuất giày dép Việt Nam bị gián đoạn sản xuất vì thiếu nguồn cung của vật liệu từ Trung Quốc, mà cụ thể hơn là do sự phong tỏa của thành phố Vũ Hán.
  • Nhân công (Labor): Câu chuyện nhân sự là một bài toán nan giải, khi Covid-19 đã gián một đòn nặng nề lên toàn bộ chuỗi cung ứng, gây tác động không hề nhỏ đến công việc làm ăn của các công ty logistics. Các quyết định cắt giảm biên chế đã được đưa ra, khiến những nhân viên còn lại phải làm thay phần việc của những người đã nghỉ, bên cạnh một số bất tiện khi phải làm việc ở nhà (work from home).
    Ngoài ra, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, thực hiện cách ly 14 – 21 ngày cũng đã ảnh hưởng đến một số quy trình trong chuỗi, ví dụ như tình trạng thiếu container rỗng. Theo quy định, các thủy thủ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh thì mới được phép làm thủ tục để lấy container rỗng và tiếp tục hành trình, dẫn đến vòng quay cũng container ngày càng dài và trì trệ hơn.
  • Tìm hàng (Sourcing): Đi lại ngày càng bị thắt chặt, dẫn đến nguồn hàng bị hạn chế hơn. 
  • Logistics: Đại dịch Covid-19 diễn ra bất chợt, chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn dài các hoạt động kho vận cũng như vận chuyển bị đóng băng bởi sự thiếu kinh nghiệm để ứng phó trong những tình huống như thế này. Mạng lưới cung ứng và các trung tâm logistics hay gặp phải tình trạng thiếu chỗ chứa hay không có hàng về, và việc tìm những tuyến đường hay phương tiện vận chuyển dự phòng cũng trở nên khó khăn.
  • Người tiêu dùng (Consumer): Người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn và dần ít ra ngoài hơn để mua sắm, và mua sắm trực tuyến có xu hướng là lựa chọn đầu tiên của họ. Điều này dẫn tới nhu cầu bị giảm đột ngột, rất nhiều các doanh nghiệp đã phải chật vật để sinh tồn trong thời kì khó khăn đó, thậm chí là phải nộp đơn xin phá sản (Forever 21, Century 21,…)

Sau khi nhìn nhận được những điểm thắt mà Covid có thể gây ra cho sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, chúng ta hãy cùng tiếp tục suy xét thêm đâu là các biện pháp và hành động tối ưu nhất có thể giúp chuỗi cung ứng linh hoạt hơn?

  1. Giải pháp ngắn hạn
    • Xây dựng các chương trình giám sát và ứng phó với rủi ro cao đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, và khả năng phơi nhiễm nguồn cung cấp từ cấp 1 (tier-1) trở xuống.
    • Xây dựng chương trình và ưu tiên nguồn cung để có được bức tranh đầy đủ một cách nhanh chóng và kịp thời.
    • Đảm bảo rằng tất cả hàng tồn kho nằm trong tầm với và bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng và trung tâm logistics. Ngoài ra, các chuỗi cung ứng nên hợp tác với bộ phận nhân sự và pháp chế để đánh giá tình hình tài chính và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
  2. Giải pháp trung hạn
    • Trọng tâm lúc này là cân bằng cung – cầu cũng như xây dựng nguồn cung dự trù. Đánh giá các cơ hội và rủi ro để đa dạng hóa hệ sinh thái nhà cung cấp của công ty.
  3. Giải pháp dài hạn
    • Một khi các tác động ban đầu của cuộc khủng hoảng được giảm thiểu, tiếp tục dự đoán các trường hợp tương lai. Đây là thời điểm để đánh giá lại hoặc phát triển các nguồn thay thế và đa dạng hóa chuỗi giá trị.
    • Giải quyết và tập trung các nguồn cung cấp chiến lược và rủi ro cao so với rủi ro chấp nhận đề ra từ ban đầu – ví dụ như nguồn thay thế, tuyến đường, hàng tồn kho và dự trữ tiền mặt – khi chúng không đủ để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn lớn nào.

    Nguồn tham khảo: Gartner