Chuỗi cung ứng được hiểu ngắn gọn là sự tích hợp các quy trình từ cung ứng, sản xuất, phân phối cho đến hoàn thành đơn hàng và giao nhận. Lý thuyết đó đều đã được nằm lòng bởi bất cứ doanh nghiệp nào ở thời điểm hiện tại. Sự khác nhau chính là đến từ cách áp dụng và cải tiến các phương thức sao cho phù hợp với đặc tính của doanh nghiệp và đem lại hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng. Hãy cùng LSC điểm qua một số phương pháp cải tiến quy trình trong quản lý chuỗi cung ứng nhé !

1. Phương pháp sản xuất tinh gọn

Là phương pháp quản lý chuỗi cung ứng bằng cách thiết lập các quy trình logic, có kỷ luật để nhận diện và loại bỏ các hoạt động không làm tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Để phương pháp sản xuất tinh gọn phát huy hiệu quả, tất cả mọi người trong công ty phải phối hợp cùng nhau loại bỏ ba yếu tố gồm sự lãng phí, sự không nhất quán trong hoạt động sản xuất, sự quá tải về con người và trang thiết bị. Ba yếu tố này xuất phát từ sản xuất và gia công dư thừa, hàng tồn kho, làm lại/ sửa sai, chờ đợi, sự vận chuyển và thao tác không cần thiết.

Những công cụ hỗ trợ thực hiện sản xuất tinh gọn được sử dụng linh hoạt tại từng doanh nghiệp phụ thuộc vào điều kiện đặc thù của từng nơi như: Kaizen, Kanban, 5S, Sơ đồ chuỗi giá trị (VSM) và phương pháp tập trung vào quy trình PDCA (Plan-Do-Check-Act).

2. Six Sigma

Là một hệ phương pháp cải tiến quy trình kinh doanh và quản lý chất lượng bằng phương pháp thống kê để đếm số lỗi phát sinh trong một quá trình, sau đó tìm ra cách để khắc phục, đưa nó tới càng gần mức “không lỗi” càng tốt. Chỉ khi nào một quy trình không tồn tại hơn 3,4 lỗi (hay khuyết tật) trên mỗi một triệu cơ hội (sản phẩm), nó mới đạt được mức tiêu chuẩn của Six Sigma. Để áp dụng phương pháp Six Sigma, doanh nghiệp cần tuân thủ theo năm bước sau: xác định, đo lường, phân tích, cải tiến và kiểm soát.

Năm 2000, Công ty Ford Việt Nam đã bắt đầu triển khai Six Sigma trong 200 dự án để cải tiến quy trình và kết quả là vào năm 2007, Ford đã tiết kiệm được 1,2 triệu USD và chỉ số hài lòng của khách hàng đạt mức trên 90%/ năm. Một trong các dự án Six Sigma thành công nhất của Ford Việt Nam là giảm lượng container chở linh kiện nhập khẩu vào năm 2005. Xác định được nguyên nhân gây hao phí là do các thùng chứa linh kiện xe hơi trong các container còn rất nhiều khoảng trống, Ford đã sắp xếp và tận dụng tối đa không gian còn trống theo phương pháp cải tiến Six Sigma.

3. Lý thuyết về điểm hạn chế (Theory of Constraints – TOC)

Là mô hình được sử dụng để tối đa hóa công suất của một dây chuyền sản xuất bằng việc xóa bỏ hạn chế lớn nhất (điểm hạn chế), khi đó công suất của toàn bộ hệ thống sẽ được tăng lên. Bản chất của TOC là ở chỗ công suất của bất cứ dây chuyền sản xuất nào cũng bị quyết định bởi mắt xích yếu nhất trong dây chuyền đó. Sau khi tìm ra được điểm hạn chế, thường sẽ có hai lựa chọn: 

Một là, kìm hãm tốc độ của các bước khác sao cho chúng vận hành cùng tốc độ như bước hạn chế. Điều này giúp ngăn cản tình trạng hàng tồn kho chất đống giữa các bước trong quy trình.

Hai là, cải tiến điểm hạn chế để toàn bộ hệ thống vận hành nhanh hơn và nó sẽ đạt tới ngưỡng không còn là bước chậm chạp nhất trong quy trình nữa và chu kỳ cải tiến sẽ trở lại từ đầu. 

Nội dung: Công Quỳnh