Đại dịch COVID-19 đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế-xã hội của Việt Nam, cụ thể hơn, trong ngành Logistics, chuỗi cung ứng đã liên tục bị gián đoạn và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp. Chính những khó khăn đó đã phần nào chỉ ra những thiếu sót, tình trạng kém hiệu quả của chuỗi cung ứng và tạo động lực để doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao sự linh hoạt trong cách vận hành để thích ứng với diễn biến phức tạp của COVID-19
Cùng điểm qua một vài thay đổi và tăng trưởng tích cực của ngành logistics trong bối cảnh COVID-19:
Xuất khẩu vẫn giữ được đà tăng trưởng
Dù phải đối mặt với các trở ngại của dịch bệnh, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng nhờ vào tận dụng việc mở cửa sau khi các chính sách tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Tính đến tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này phụ thuộc vào ba yếu tố sau đây:
Thứ nhất, các quốc gia dần mở cửa trở lại và có nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam tăng cao. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các báo cáo hằng tháng về kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam trong giai đoạn sau đại dịch.
Thứ hai, triển khai thực thi hiệu quả các FTA: việc ký kết các FTA đã tạo cơ hội doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sau 10 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước, theo sau đó là Trung Quốc và thị trường EU lần lượt đạt 44,2 tỷ USD và 31,7 tỷ USD, tăng 16,8% và 8,9%.
Thứ ba, sức cầu của thế giới hồi phục mạnh: các nền kinh tế lớn có tốc độ phục hồi nhanh gây ra sự thiếu hụt hàng hóa trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tăng cũng góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng tăng trưởng tích cực nhất bao gồm:
- Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%.
- Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản: ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6%
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến: ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%
Đáng chú ý nhất, trong nhóm hàng nông sản, lâm sản, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã đạt trên 10,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021. Dự báo đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong 2 tháng cuối 2021, đạt 23,3 tỷ USD – cao hơn so với những năm trước đại dịch COVID-19.
Trong quý IV và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới.
Logistics và thương mại điện tử
Trong giai đoạn COVID-19 bùng phát, nền thương mại điện tử đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhờ vào sự an toàn và đơn giản của hình thức này so với những rào cản từ đại dịch. Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2021, thương mại điện tử sẽ tăng trưởng ít nhất 10,7% và đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Sự tăng trưởng cao của ngành thương mại điện tử đã mang lại nhiều cơ hội các doanh nghiệp logistics khi hầu hết các sàn thương mại điện tử đều không đủ nhân lực để xử lý đơn hàng. Tuy những công ty như Lazada, Shopee,.. đã xây dựng cho mình một mạng lưới phân phối nhưng họ vẫn cần hợp tác với các bên cung cấp dịch vụ logistics để vận chuyển các đơn hàng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp logistics phải đối mặt với những thách thức đến từ chi phí vận chuyển, xử lý đơn hàng,…
Nội dung: Ngọc Mai
Hình ảnh: Đức Huy