Thương mại điện tử – hình thức mua bán sản phẩm, dịch vụ thông qua mạng Internet – đang rất được ưa chuộng trong những năm gần đây với những ưu điểm về sự nhanh chóng, tiện lợi và ngày càng đa dạng. Các công ty đua nhau tham gia vào thị trường béo bở này, và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ là nhân tố quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy.

Thương mại điện tử và những thách thức cho chuỗi cung ứng
Thương mại điện tử và những thách thức cho chuỗi cung ứng

Từ sự phát triển của thương mại điện tử

Thời đại Internet và số hóa hiện đại ngày nay đã và đang tạo tiền đề cho sự vươn mình mạnh mẽ của các hình thức giao dịch thương mại điện tử. Trong thập kỷ vừa qua, thương mại điện tử đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trung bình 20% mỗi năm với những ảnh hưởng to lớn đến tất cả các ngành từ vận tải giao nhận đến hàng hóa tiêu dùng. Theo dự đoán của eMarketer, doanh thu bán lẻ kênh thương mại điện tử trên toàn cầu sẽ nhảy vọt từ 1.9 nghìn tỷ USD năm 2016 lên đến hơn 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Tại thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, với số lượng người yêu thích sản phẩm công nghệ và sử dụng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng, thương mại điện tử cũng đang chứng minh sức hút của mình với mức tăng trưởng trên mức trung bình.

Sự xuất hiện và xu hướng áp dụng omni-channel vào thương mại điện tử cũng là một bước tiến với những ảnh hưởng to lớn tới ngành công nghiệp này. Không chỉ đơn giản là sử dụng hàng loạt các kênh tiếp thị như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, máy tính, áp phích quảng cáo… để thu hút người tiêu dùng, omni-channel đặc biệt chú trọng tới việc đem đến một trải nghiệm liền mạch và thống nhất cho những khách hàng tiềm năng của mình. Nó tạo sự thuận tiện tối đa cho quá trình đặt mua hàng, giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và tôn trọng. Mua sắm online vì thế mà trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, và chính điều này đã biến thương mại điện tử thành một phương thức mua bán ngày càng phổ biến.

Tới những thách thức cho chuỗi cung ứng: 

Sự tăng trưởng của thương mại điện tử đồng thời cũng gia tăng sự mong đợi của khách hàng. Họ muốn có nhiều sự lựa chọn hơn, được giao hàng nhanh hơn, được cập nhật trạng thái đơn hàng cũng như cung cấp các chính sách đổi trả thỏa đáng. Tất cả những yêu cầu trên đòi hỏi chuỗi cung ứng phải tiến hành những thay đổi, cải tiến trong các lĩnh vực nhất định để có thể mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng:

  • Nâng cao khả năng hiển thị hàng tồn kho: Quản lý hàng tồn kho luôn luôn là khía cạnh vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi mua bán đa kênh phát triển. Khả năng hiển thị hàng tồn tốt sẽ cung cấp khả năng xử lí những đơn hàng online mà không cần phải thực sự sở hữu mặt hàng đó trong kho. Khi hệ thống các kênh thương mại điện tử và quản lý đơn hàng được đồng bộ, quy trình xử lí có thể được diễn ra thuận lợi hơn: hàng sẽ được kiểm kê và xuất kho từ trung tâm phân phối gần nhất hoặc mua ngoài để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
  • Rút ngắn thời gian giao hàng: Việc thêm chức năng phân phối cho các điểm bán lẻ là một trong những xu hướng góp phần rút ngắn thời gian giao hàng. Các cửa hàng có thể vừa là nơi người mua đến nhận hàng từ đơn đặt online, vừa là nơi xử lí đơn hàng để chuyển phát tới những nơi khác. Walmart đã áp dụng phương thức này một cách sáng tạo bằng cách để nhân viên chuyển phát những đơn hàng tới những địa điểm tiện trên đường về nhà của họ. Tuy vậy, hầu hết các cửa hàng bán lẻ khó có thể thực hiện chức năng này vì sự hạn chế trong không gian kho và khả năng hiện thị hàng tồn.
  • Tối ưu hóa quy trình đổi trả: Đổi trả hàng là vấn đề cần được lưu tâm trong giao dịch online. Rất nhiều rủi ro có thể gặp phải trong quá trình vận chuyển, và những truy vấn liên quan cũng như yêu cầu đổi trả của khách hàng cần được giải quyết ổn thỏa nếu công ty muốn giữ uy tín và không để mất khách hàng của mình. Vì vậy, logistics thu hồi trở thành một khía cạnh cần được đầu tư kĩ càng để có thể đạt hiệu quả tối ưu và đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Nhìn chung, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang góp phần đa dạng hóa các hình thức kinh doanh và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cho rất nhiều tổ chức hoạt động ở bất cứ quy mô nào. Tuy nhiên, đằng sau đó là yêu cầu về những ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp, về tính hiệu quả và sự linh hoạt của cả một chuỗi cung ứng để có thể thích nghi với thị trường điện tử tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức.

Biên tập: Phương Thúy