Chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 1994, công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn bằng những thành tựu kinh doanh nổi bật, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam đi lên, mà còn là cầu nối chung tay đóng góp vào lợi ích xã hội qua các kế hoạch xây dựng, đào tạo người lao động, chính sách hỗ trợ bán hàng, các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện hướng về cộng đồng. Nổi bật trong các kế hoạch trên là kế hoạch phát triển bền vững mà công ty áp dụng trong khâu vận chuyển của chuỗi cung ứng. Thông qua đó, chúng ta sẽ thấy được toàn bộ câu chuyện phát triển bền vững và tầm nhìn của công ty.

Coca Cola Việt Nam được trao tặng giải thưởng doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2018.

Trong những thập kỷ qua, bao bì thực phẩm và nước giải khát đóng một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên đây cũng là một vấn đề nan giải của thế giới. Trong đó, rác thải nhựa đang là gánh nặng nghiêm trọng đối với môi trường. Việt Nam hiện đang là một trong 5 quốc gia có lượng xả thải rác nhựa nhiều nhất trên thế giới. Coca-Cola đã tiên phong trong ngành hàng giải khát bằng cách nỗ lực thực hiện các hoạt động khác nhau trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường,  đóng góp vào hành trình đạt được mục tiêu toàn cầu của mình về “Một Thế Giới Không Rác Thải”.

Giảm thiểu khí thải trong việc vận chuyển của Coca Cola Việt Nam.

Với lời hứa thực hiện cam kết “tăng trưởng hoạt động kinh doanh, không phải tăng lượng carbon”, Coca Cola Việt Nam đang từng bước cải thiện tính bền vững trong chuỗi cung ứng của mình. Một trong những khâu quan trọng của chuỗi cung ứng – khâu vận chuyển cũng không là ngoại lệ. Để thể hiện quyết tâm thực hiện lời cam kết trên, bước đi quan trọng thể hiện quyết tâm của Coca Cola Việt Nam bắt đầu bằng việc công ty này đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu sạch CNG (khí nén tự nhiên) và nguyên liệu Biomass (nguyên liệu tái tạo) để thay thế dầu nhiên liệu FO trong các phương tiện vận tải.

Biểu đồ so sánh lượng khí thải giữa các nguyên liệu

Theo nghiên cứu, CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, vì khi sử dụng làm nhiên liệu giúp làm giảm đến 20% lượng CO2, 30% lượng NOx, 70% SOx so với các nhiên liệu từ dầu. Khi sử dụng trong động cơ, CNG cũng làm giảm đến 50% lượng hydrocarbon thải ra so sánh với động cơ xăng.

Do quá trình cháy xảy ra hoàn toàn, không gây đóng cặn trong thiết bị đốt và bộ chế hòa khí của các phương tiện nên CNG giúp nâng cao hiệu suất, kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng và tuổi thọ máy móc thiết bị. Giá thành CNG rẻ hơn xăng khoảng 10% đến 30% và có tính ổn định trong thời gian dài so với giá các sản phẩm dầu mỏ. Do vậy, ngày nay CNG được Coca Cola Việt Nam cân nhắc sử dụng rộng rãi đối với hệ thống xe tải vận chuyển  làm nhiên liệu động cơ thay thế xăng, dầu.

Bên cạnh đó, công ty này thậm chí còn chú ý đến từng chi tiết nhỏ như các xe nâng và phương tiện vận chuyển hạn chế vận chuyển giờ cao điểm, bảo dưỡng xe và bảo đảm thông số khói thải theo yêu cầu ở mức vừa phải.

Câu chuyện phát triển bền vững của Coca Cola Việt Nam.

Trong bối cảnh môi trường thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi phần lớn rác thải sinh hoạt của con người, đa số trong số đó là rác thải đến từ nền công nghiệp thực phẩm và nước giải khát, Coca Cola Việt Nam xung phong trong việc thực hiện mục tiêu  “Một thế giới không rác thải” với tham vọng: Đến năm 2030, mỗi một chai/ lon sản phẩm bán ra sẽ được Coca-Cola thu gom trở lại và tái chế thông qua chiến lược: Thiết kế, Thu gom và Hợp tác.

Một loạt các dự án đã được Công ty này thông qua, thực hiện và phát triển. Đơn cử là dự án sáng kiến KHÔNG XẢ THẢI RA THIÊN NHIÊN (Zero Waste to Nature) mà Coca Cola Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với các đối tác bao gồm VCCE, Dow và Unilever xây dựng một mô hình thử nghiệm về việc tái chế nhựa tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Bên cạnh đó, Coca-Cola hiện đang hợp tác với UNESCO để thực hiện dự án mang tên SÁNG KIẾN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA (Fostering Creativity For Recycling Awareness) . Dự án sẽ bắt đầu thực hiện giai đoạn thử nghiệm tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An – Thành phố đã được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa thế giới năm 1999.

Mặc khác, Coca-Cola hiện đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) để thiết lập MẠNG LƯỚI HÀNH ĐỘNG VÌ RÁC THẢI NHỰA (Plastic Action Network). Chương trình này được triển khai thực hiện thông qua các chiến lược Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế nhựa tại thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long.

Coca-Cola Việt Nam cũng đang hợp tác với Hội đồng Anh (British Counsel) để tăng cường các chương trình kết nối với cộng đồng thông qua dự án CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TẠI CÁC EKOCENTER ĐỊA PHƯƠNG.

Bên cạnh các dự án xã hội, thông qua hoạt động Nghiên cứu & Phát triển, Coca-Cola tiến hành đổi mới sáng tạo  thông qua dự án SỬ DỤNG NHỰA TÁI CHẾ (rPET Bottles) nhằm tạo ra thêm nhiều mẫu mã bao bì tối ưu và có thể tái chế bằng cách:

  • Coca-Cola đặt mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình hoạt động bằng cách tìm kiếm các nguồn cung ứng và sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu từ nguồn tái sinh và những nguyên liệu bền vững khác như rPET và PlantBottle trong quy trình sản xuất bao bì cho các sản phẩm nước giải khát.
  • Hiện Coca-Cola đang trong quá trình hướng đến mục tiêu sử dụng rPET để sản xuất 10% chai nước Dasani vào đầu Quý 4 / 2018.

Tầm nhìn của Coca Cola Việt Nam.

Tấm nhìn của Coca Cola là khuôn khổ cho các lộ trình của công ty và định hướng mọi khía cạnh của việc kinh doanh thông qua việc mô tả những điều cần phải thực hiện để tiếp tục đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng.

  • Con người: Trở thành môi trường làm việc tốt nhất nơi mà con người có cảm hứng tốt nhất.
  • Hồ sơ: Mang đến cho thế giới một hồ sơ về thương hiệu nước giải khát có chất lượng mà có thể tiên đoán và làm hài lòng mong muốn và nhu cầu của con người.
  • Các đối tác: Xây dựng một mạng lưới cung cấp nước uống cho khách hàng và các nhà cung cấp, cùng nhau tạo dựng giá trị có lợi đôi bên mang tính lâu dài.
  • Hành tinh: Là công dân có trách nhiệm tạo nên sự khác biệt bằng cách xây dựng và hỗ trợ cộng đồng mang tính bền vững.
  • Lợi nhuận: Tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông và đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu.
  • Năng suất: Là một tổ chức hoạt động hiệu quả, gọn nhẹ và phát triển nhanh.

Biên tập: LSC