Vai trò của Internet of Things đối với chuỗi cung ứng

Internet of Things (IoT) đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Liên tục tạo dựng và giải phóng những làn sóng dữ liệu mới, IoT cung cấp cho các nhà quản trị chuỗi cung ứng khả năng hiển thị và độ chính xác cao hơn trong xác định và dự báo các vấn đề tiềm tàng xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.

Mô hình Internet of Things
Mô hình Internet of Things

1. IoT là gì?

IoT, hiểu một cách nôm na, chính là sự kết nối vạn vật: tất cả những đồ vật thông dụng từ điện thoại, đồng hồ, mắt kính, đến máy móc công nghiệp, phương tiện giao thông… được gắn các chip hay các thiết bị cảm ứng, kết nối với nhau qua Wifi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), bluetooth, hồng ngoại… và từ đó có khả năng trao đổi dữ liệu với nhau thông qua việc thu thập và truyền tải thông tin.

IoT có mối liên hệ mật thiết với Big Data – khối lượng thông tin khổng lồ vừa là sản phẩm, vừa là nguyên liệu đầu vào để vận hành hệ thống IoT ngày càng được mở rộng. Tính đến năm 2017, số lượng thiết bị kết nối Internet đã lên đến trên 20 tỉ và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh lên gấp đôi vào năm 2022. IoT đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới với ước tính khoảng 5.5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày. Trong tương lai, IoT sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, đem lại nhiều lợi ích đáng giá và đồng thời cũng đặt ra những thách thức nhất định.

2. Một số ứng dụng nổi bật của IoT trong chuỗi cung ứng

Đối với sản xuất, IoT có thể đem lại những lợi ích to lớn thông qua nâng cao hiệu quả làm việc của hệ thống máy móc. Về cơ bản, IoT giúp thu thập các thông số thực tế về nhiệt độ, tần suất, thủy lực… của máy, từ đó đưa ra những quyết định về tuổi thọ còn lại của máy, thời điểm bảo trì, chỉ dẫn thông tin chi tiết cho đội ngũ bảo trì về công cụ hoặc bộ phận cần lưu ý, tạm dừng hoạt động máy khi có lỗi ảnh hưởng đến hệ thống… Tất cả những điều trên góp phần giảm thiểu những gián đoạn và gia tăng hiệu quả làm việc của dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, IoT giúp cải thiện quá trình vận chuyển với khả năng linh hoạt thay đổi hệ thống chuyển phát tự động và lựa chọn tuyến đường phù hợp. Với hai công nghệ mấu chốt là GPS và RFID (Radio Frequency Identification), việc giám sát tình hình giao thông và các giải pháp nhận diện, cập nhật địa điểm được thực hiện dễ dàng, cho phép quy trình vận chuyển được tự động hóa một cách tối ưu với thời gian giao hàng được dự đoán chính xác.

Thông qua cải thiện khả năng tương tác, giảm thời gian chờ đợi và tìm hiểu tâm lý khách hàng cặn kẽ bằng khối lượng thông tin cập nhật từ các thiết bị kết nối (connected devices), IoT còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Việc nâng cấp sản phẩm bằng công nghệ IoT cũng hứa hẹn đem lại những trải nghiệm mới lạ. Heineken đã thành công với thử nghiệm này khi tung ra Ignite Bottle, những chai bia được gắn thiết bị cảm ứng bao gồm đèn LED, có thể bắt được nhịp điệu và nhấp nháy theo bản nhạc được phát trong các bữa tiệc.

3. Phát triển IoT ở Việt Nam

Không thể phủ nhận IoT có thể đem lại những lợi ích to lớn trong quản trị chuỗi cung ứng, nhưng để nắm bắt đầy đủ tiềm năng của các ứng dụng IoT, cần phải có những đổi mới một cách hệ thống trong công nghệ và mô hình kinh doanh cũng như đầu tư nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp còn thận trọng trước việc đón nhận xu thế IoT vì những lo ngại về các vấn đề liên quan đến giá thành thiết bị, năng lượng pin, vùng phủ kết nối. Tuy nhiên, với những cải tiến công nghệ về băng rộng di động 4G luôn được triển khai, giá thành thiết bị được bình ổn và xu hướng học hỏi, tiếp thu công nghệ nước ngoài trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nên linh động trong nắm bắt thị trường xem xét nhìn nhận IoT như một khoản đầu tư hấp dẫn và sẵn sàng hành động, thức thời nắm bắt cơ hội để phát triển.

Tóm lại, IoT là xu thế công nghệ đang vươn mình mạnh mẽ trên toàn thế giới, đem lại vô số những tiềm năng và thách thức. Để có thể áp dụng hiệu quả IoT trong chuỗi cung ứng đòi hỏi không chỉ hạ tầng công nghệ ban đầu mà còn kỹ thuật và phương pháp vận dụng, quản lý, kết hợp các công nghệ đó sao cho hiệu quả, điều mang tính đặc thù cho từng doanh nghiệp và luôn cần được nghiên cứu và phát triển.

Biên tập: Phương Thúy

Previous articleKho hàng riêng hay kho hàng công cộng – Đâu là lợi thế cho doanh nghiệp?
Next articleMạng xã hội – “Cuộc Cách mạng đầy hứa hẹn với chuỗi cung ứng”