Cấu trúc của chuỗi cung ứng
Trong thị trường tiêu dùng nhanh của nền kinh tế hiện hành, một doanh nghiệp cần phải tập trung vào những yếu tố được cân nhắc là giá trị cốt lõi trong việc quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó, đồng thời tiến hành thuê ngoài những yếu tố còn lại nhằm tối đa hóa hiệu suất của chuỗi.
Trước đó, đối với thị trường đại chúng, thông thường các doanh nghiệp đều cố gắng quản lý phần lớn các yếu tố trong chuỗi của mình. Hình thức này được gọi là hình thức liên kết theo chiều dọc (Vertical integration), mục đích của hình thức này nhằm tối đa hóa hiệu quả dựa trên tính kinh tế theo quy mô.
Một ví dụ điển hình của hình thức này chính là hãng xe Ford. Nửa đầu những năm 1990, Ford đã sở hữu được những vật liệu cần thiết phục vụ cho các nhà máy sản xuất xe hơi của hãng. Bên cạnh đó, Ford đã sở hữu và vận hành các mỏ sắt để phục vụ cho việc khai thác sắt, các nhà máy thép chế biến nguồn mỏ thành các sản phẩm thép, các nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi, các dây chuyền lắp ráp xe hơi hoàn chỉnh. Hơn nữa, Ford còn sở hữu các đồn điền trồng cây lanh để sản xuất xe hơi với vải lanh hàng đầu và trồng rừng để lấy gỗ, đồng thời sở hữu các nhà máy cưa xẻ gỗ nhằm sản xuất các bộ phận xe hơi bằng gỗ. Nhà máy nổi tiếng của Ford – River Rouge – là thành quả tiêu biểu của hình thức liên kết dọc, yếu tố đầu vào là quặng sắt và yếu tố đầu ra là xe hơi.
Quá trình toàn cầu hóa, thị trường cạnh tranh gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ kéo theo sự phát triển của chuỗi cung ứng theo một hướng mới, đó là các công ty, doanh nghiệp tiến hành liên kết với nhau và mỗi công ty, doanh nghiệp tập trung vào những thành phần mà mình có khả năng làm tốt nhất. Sự chuyên môn hóa này giúp các doanh nghiệp có thể bắt kịp những thay đổi của nền kinh tế đồng thời cũng bổ sung cho mình những kĩ năng cần thiết để cạnh tranh với các đối thủ trong ngành.
Hiện nay, thay vì tập trung vào hình thức liên kết dọc, các công ty có xu hướng thực hiện liên kết ảo (virtual integration) bằng việc tìm kiếm các đối tác khác để cùng thực hiện các hoạt động trong chuỗi cung ứng của họ
Các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng
Hình thức đơn giản nhất: chuỗi cung ứng bao gồm một công ty, các nhà cung ứng và các khách hàng của công ty đó. Đây là những đối tượng cơ bản để tạo thành một chuỗi cung ứng cơ bản.
Hình thức mở rộng: chuỗi cung ứng còn có thêm ba đối tượng khác như: nhà cung cấp của các nhà cung cấp (hay còn gọi là nhà cung cấp đầu tiên), khách hàng của các khách hàng (khách hàng cuối cùng) và các công ty cung cấp dịch vụ về logistics, tài chính, marketing và công nghệ thông tin,…
Ngoài ra, chuỗi cung ứng còn có sự kết hợp của các công ty thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như:
- Nhà sản xuất (Producers): Là các tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất ra sản phẩm, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu thô và doanh nghiệp sản xuất thành phẩm. Nhà sản xuất có thể sản xuất các sản phẩm vô hình (âm nhạc, giải trí, phần mềm, thiết kế) hoặc các sản phẩm là dịch vụ.
- Nhà phân phối/Nhà bán sỉ (Distributors/Wholesalers): Dự trữ hàng hóa với số lượng lớn từ các nhà cung ứng và phân phối sản phẩm cũng với khối lượng lớn tới khách hàng (khách hàng ở đây là các nhà kinh doanh khác chứ không phải các khách hàng mua lẻ).
- Nhà bán lẻ (Retailers): Dự trữ hàng hóa và bán cho khách hàng với số lượng nhỏ lẻ. Đây là người nắm rõ nhu cầu cũng như sự ưa thích của khách hàng đối với các loại hàng hóa.
- Khách hàng (Customers): Bất kì cá nhân hay tổ chức nào mua và sử dụng hàng hóa. Khách hàng có thể mua sản phẩm về để tiếp tục bán cho các khách hàng khác hoặc mua về phục vụ cho tiêu dùng của mình.
- Nhà cung cấp dịch vụ (Service Providers): Cung cấp dịch vụ cho các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ có chuyên môn và kĩ năng đăc biệt ở một hoạt động riêng biệt nào đó trong chuỗi cung ứng vì vậy họ có thể thực hiện hoạt động này hiệu quả hơn và với mức giá tốt hơn so với khi các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ hay khách hàng tự mình thực hiện.
Tóm lại, chuỗi cung ứng bao gồm nhiều đối tượng tham gia được chia thành một hay nhiều loại. Điều cần thiết của chuỗi cung ứng là duy trì tính bền vững theo thời gian, những điều cần thay đổi chính là sự kết hợp và vai trò của các đối tượng tham gia.
Biên tập: Minh Phúc