Đồng nhất Chuỗi cung ứng với Chiến lược công ty

Chuỗi cung ứng của một công ty là một phần không thể tách rời trong phương án tiếp cận thị trường mà công ty hướng đến. Chuỗi cung ứng cần đáp ứng được những nhu cầu của thị trường và phải thực hiện nhiệm vụ đó dưới tầm nhìn chiến lược của công ty. Chiến lược kinh doanh của công ty khởi nguồn từ đòi hỏi của thị trường mà công ty phục vụ. Tùy vào nhu cầu khách hàng, công ty sẽ đưa ra một mức độ kết hợp nhất định giữa phản ứng nhanh nhạy và tăng hiệu quả chi phí. Một công ty sở hữu một chuỗi cung ứng cho phép nó đáp ứng một cách hiệu quả các nhu cầu của khách hàng sẽ giành được thị phần từ tay đối thủ trong thị trường đó và cũng đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

Hãy xét đến ví dụ về 2 công ty và những nhu cầu mà chuỗi cung ứng của họ phải đáp ứng. Hai công ty được xét là 7-Eleven và Sam’s Club, một bộ phận của Wal-Mart. Khách hàng của 7-Eleven tìm kiếm sự thuận lợi chứ không phải là sản phẩm giá rẻ. Những vị khách hàng dạng này thường vội vàng và thích những cửa hàng gần nhà và đa dạng sản phẩm để họ có thể dễ dàng mua được những món đồ dùng gia đình và đồ ăn gọn nhẹ, tiện lợi. Khách hàng của Sam’s Club lại tìm kiếm sản phẩm giá hời. Họ không vội và sẵn sàng lái xe trên quãng đường dài để mua được một lượng lớn vài loại hàng đang hạ giá.

Rõ ràng chuỗi cung ứng của 7-Eleven cần chú ý vào mức độ phản ứng thật nhạy bén. Nhóm khách hàng của họ trông đợi sự tiện lợi và cũng sẵn sàng trả cho điều đó. Ngược lại, chuỗi cung ứng của Sam’s Club cần tập trung tối đa vào hiệu quả chi phí. Khách hàng của Sam’s Club quan tâm về giá và chuỗi cung ứng của họ cần tìm ra mọi cơ hội để cắt giảm chi phí và chuyển phần tiết kiệm này về tay người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng của cả hai công ty đều đồng nhất cao với chiến lược kinh doanh của chúng, và vì điều này, mỗi công ty đều rất thành công trên thị trường.

Có ba bước để đồng nhất chuỗi cung ứng với chiến lược kinh doanh của công ty. Bước đầu tiên là phải hiểu về thị trường mà công ty đang phục vụ. Bước thứ hai là xác định thế mạnh và năng lực đặc biệt của công ty cùng với vai trò mà công ty có thể đóng góp để phục vụ cho thị trường của nó. Bước cuối cùng là phát triển những khả năng cần thiết của chuỗi cung ứng để hỗ trợ cho vai trò mà công ty đã chọn.

Hiểu về thị trường mà công ty phục vụ

Khởi đầu bằng việc hỏi các câu về khách hàng của công ty. Công ty bạn phục vụ cho ai? Công ty bạn bán hàng cho đối tượng nào? Chuỗi cung ứng của công ty bạn thuộc dạng gì? Câu trả lời cho những điều trên sẽ cho bạn biết công ty bạn đang phục vụ cho chuỗi cung ứng nào và cần phải tập trung vào phản ứng nhạy bén hay là hiệu quả chi phí. Có một vài câu hỏi thường dùng để làm rõ yêu cầu của khách hàng mà bạn phục vụ:

  • Số lượng hàng mà khách cần trong mỗi lượt mua là bao nhiêu?
  • Khách hàng sẽ chấp nhận lượng thời gian phản ứng bao lâu?
  • Hàng hóa trong cửa hàng có cần phải đa dạng không?
  • Mức độ dịch vụ cộng thêm mà khách hàng đòi hỏi là bao nhiêu? (về thời gian giao hàng, phương thức giao hàng…)
  • Khách hàng sẵn sàng trả bao nhiêu tiền?
  • Hàm lượng đổi mới về công nghệ trong mỗi sản phẩm bao nhiêu là đủ?

Xác định năng lực cốt lõi của công ty

Bước tiếp theo là xác định vai trò mà công ty bạn chọn để tham gia vào chuỗi cung ứng. Bạn là dạng thành viên nào trong chuỗi cung ứng. Bạn là nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ hay công ty cung cấp dịch vụ? Năng lực cốt lõi của công ty là gì? Công ty làm ra tiền bằng hình thức nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho bạn biết vai trò trong chuỗi cung ứng phù hợp với công ty bạn nhất.

Phát triển những năng lực cần thiết cho chuỗi cung ứng

Khi đã biết được kiểu thị trường mà công ty bạn phục vụ cũng như vai trò mà công ty bạn sẽ tham gia trong chuỗi cung ứng của những thị trường này, thì bạn có thể thực hiện bước cuối cùng, phát triển năng lực của chuỗi cung ứng để hỗ trợ cho vai trò mà công ty bạn đã chọn. Sự phát triển này được dẫn đường bằng những quyết định về năm yếu tố trong chuỗi cung ứng:

  1. Sản xuất: Yếu tố này có thể được thiết kế sao cho độ phản ứng với nhu cầu là nhạy bén nhất bằng cách xây dựng các nhà máy với công suất dư thừa và sử dụng các kỹ thuật linh hoạt hóa trong sản xuất nhằm tạo ra một phạm vi rộng các dòng sản phẩm. Để độ phản ứng với nhu cầu thậm chí nhạy bén hơn nữa, công ty có thể cho chạy sản xuất trong nhiều nhà máy nhỏ phân bổ gần với khu vực tiêu thụ để thời gian giao hàng là ngắn nhất. Nếu độ hiệu quả về chi phí được xem là quan trọng hơn, thì công ty có thể xây dựng nhà máy với rất ít công suất thừa và thiết kế nhà máy tối ưu hóa để chỉ sản xuất một phạm vi hẹp các dòng sản phẩm nhất định. Độ hiệu quả về chi phí đến mức cao hơn nữa có thể đạt được thông qua tập trung hóa sản xuất trong những nhà máy lớn đặt tại trung tâm để chiếm lấy lợi thế quy mô.
  2. Tồn kho: Sự nhanh nhạy trong phản ứng với nhu cầu khách hàng ở đây có thể đạt được thông qua trữ một lượng lớn hàng tồn kho với phạm vi rộng nhiều loại sản phẩm. Để mức phản ứng cao hơn nữa, công ty có thể trữ sản phẩm tại nhiều địa điểm để có lượng hàng tồn kho gần với khách hàng và sẵn sàng để giao đến họ ngay lập tức. Để đạt được hiệu quả chi phí về tồn kho, cần giảm lượng hàng tồn kho của tất cả các mặt hàng và đặc biệt là những mặt hàng không được bán thường xuyên. Đồng thời, lợi thế về quy mô và tiết kiệm chi phí có thể đạt được bằng cách trữ hàng ở một vài địa điểm trung tâm nhất định.
  3. Địa điểm: Một phương án địa điểm nhấn mạnh độ phản ứng nhanh nhạy có thể là công ty mở thật nhiều địa điểm gần về mặt địa lý với nơi ở của khách hàng. Lấy ví dụ như, McDonald’s đã sử dụng những địa điểm một cách rất thuận tiện cho nhu cầu khách hàng bằng cách mở thật nhiều cửa hàng ở những thị trường tiêu thụ lớn. Hiệu quả về chi phí có thể đạt được bằng cách vận hành ở một số ít những địa điểm cố định và tập trung nhiều hoạt động tại những cơ sở dùng chung. Một ví dụ cho điều này là phương pháp mà Dell phục vụ thị trường với phạm vụ địa lý rộng lớn chỉ từ một vài địa điểm trung tâm với hàng loạt các hoạt động khác nhau tại đó.
  4. Vận tải: Sự phản ứng nhanh nhạy có thể đạt được thông qua sử dụng các phương tiện vận tải nhanh và linh hoạt. Nhiều công ty bán hàng qua catalog hay qua mạng Internet có khả năng cung cấp sự phản ứng nhạy bén bằng cách điều phối vận tải để giao hàng, thậm chí trong vòng 24 tiếng đồng hồ. FedEX và UPS là hai công ty có thể cung ứng dịch vụ vận tải nhanh chóng. Hiệu quả chi phí có thể đạt được bằng cách vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn với tần suất ít thường xuyên hơn. Các phương thức vận tải như bằng tàu biển, tàu hỏa, hay đường ống có thể rất hiệu quả về mặt chi phí. Vận tải hàng hóa có thể trở nên rất hiệu quả về chi phí nếu việc điều phối xuất phát từ một cơ sở nhà xe trung tâm thay vì từ nhiều nhánh địa điểm khác nhau.
  5. Thông tin: Quyền lực của yếu tố này tăng trưởng dần qua các năm khi mà công nghệ thu thập và chia sẻ thông tin trở nên ngày càng phổ biến, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn trước. Thông tin, cũng giống như tiền bạc, là một món hàng rất hữu ích bởi nó có thể được áp dụng trực tiếp để nâng cao năng lực của các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng. Mức độ nhanh nhạy trong phản ứng của chuỗi cung ứng có thể đạt được khi công ty thu thập và chia sẻ các dữ liệu được tạo ra từ hoạt động của bốn yếu tố trên một cách chính xác và kịp thời. Những chuỗi cung ứng phục vụ thị trường điện tử là một trong số những chuỗi cung ứng có độ phản ứng nhạy bén nhất thế giới.

Khi hiệu quả về chi phí là yếu tố được tập trung nhiều hơn, ít thông tin về ít hoạt động hơn được thu thập. Các công ty cũng có thể chọn cách chia sẻ ít thông tin hơn trong chuỗi để không phải mạo hiểm việc các thông tin được dùng chống lại chính họ. Nhưng hãy chú ý rằng, những kiểu hiệu quả chi phí về thông tin như thế này chỉ có thể đạt được trong ngắn hạn vì dần dần chi phí của thông tin sẽ giảm dần, trong khi chi phí của bốn yếu tố còn lại sẽ tăng lên theo thời gian.