[SCM] – Tìm hiểu về Planning (P1)_Demand Forecast

DỰ BÁO NHU CẦU (DEMAND FORECASTING)

Các quyết định trong việc quản lý chuỗi cung ứng đều phụ thuộc vào việc dự báo, bao gồm: loại sản phẩm nào? Số lượng bao nhiêu? Khi nào? Dự báo nhu cầu là nền tảng để công ty lập kế hoạch vận hành nội bộ cũng như phối hợp với các đối tác khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bao gồm 4 biến số:

  • Nhu cầu: tổng cầu của thị trường đối với một nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ
  • Nguồn cung: tổng số nhà cung ứng sản phẩm và thời gian sản xuất tương ứng của từng loại sản phẩm
  • Đặc tính của sản phẩm: đặc điểm của sản phẩm ảnh hưởng đến nhu cầu của khách hàng
  • Môi trường cạnh tranh: những hành vi của nhà cung cấp và các đối thủ cạnh tranh.

Các phương pháp dự báo nhu cầu: 4 phương pháp cơ bản

  • Phương pháp định tính: dựa vào trực giác hoặc quan điểm cá nhân về thị trường, thường được sử dụng khi có rất ít thông tin trong quá khứ.
  • Phương pháp nhân quả: được sử dụng với giả thuyết nhu cầu có liên quan chặt chẽ với yếu tố môi trường hoặc các nhân tố của thị trường.
  • Phương pháp chuỗi thời gian: phương pháp phổ biến nhất trong dự báo, dựa trên giả thuyết những dữ liệu ở quá khứ để làm cơ sở dự đoán nhu cầu tương lai.
  • Phương pháp mô phỏng: kết hợp giữa phương pháp nhân quả và phương pháp chuỗi thời gian để mô phỏng hành vi của người tiêu dùng ở những hoàn cảnh khác nhau.

Đa số các công ty đều kết hợp nhiều phương pháp dự báo, liên kết các kết quả của các phương pháp lại với nhau nhằm có được một dự báo chính xác.

Hoạch định tổng hợp

Sau khi đã dự báo nhu cầu, bước tiếp theo là lập kế hoạch để công ty đáp ứng được nhu cầu đã dự báo, bước này gọi là hoạch định tổng hợp. Có 3 cách cơ bản để thực hiện hoạch định tổng hợp:

  • Sử dụng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu: công suất sản xuất sản phẩm phải phù hợp với mức nhu cầu. Mục tiêu là tối đa 100% công suất. Biện pháp này thích hợp khi chi phí tồn kho cao và chi phí thay đổi công suất vận hành máy móc và nhân lực thấp.
  • Sử dụng tổng công suất để đáp ứng nhu cầu: sử dụng khi công suất sẵn có chưa được vận hành tối đa. Cách này thích hợp khi chi phí tồn kho cao và chi phí cho việc tăng công suất thấp.
  • Sử dụng hàng tồn kho và các đơn hàng chưa thực hiện để đáp ứng nhu cầu: nhằm ổn định công suất máy móc và nhân lực, đồng thời ổn định tỉ lệ đầu ra, thường được sử dụng khi chi phí cho việc thay đổi công suất lớn và chi phí hàng tồn kho, các đơn hàng chưa thực hiện thấp.

 

Previous articleTổng quan về quản trị chuỗi cung ứng (P2)
Next article[SCM] – Tìm hiểu về Planning (P2)_Product Pricing