Tìm hiểu về Planning _ Bài 2: Product Pricing

Planning là tập hợp các quy trình nhằm lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công việc nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để nhắm đúng vào nhu cầu thị trường, ngoài dự báo nhu cầu (demand forecast), các công ty và chuỗi cung ứng còn có thể sử dựng các chính sách giá để định hướng nhu cầu của khách hàng, sao cho đem lại lợi nhuận tối đa cho công ty.

Các quan điểm về chính sách giá sẽ thay đổi tùy theo vị trí của người ra quyết định trong công ty. Phòng Marketing và Sales thường thích dùng chính sách giá để kích cầu trong mùa cao điểm (thông qua các hoạt động mà họ gọi là promotion), trong khi những người thuộc bộ phận tài chính hay sản xuất đôi khi muốn thay đổi giá để kích cầu trong những mùa thấp điểm. Cho dù cách thức có khác nhau, thì mục tiêu chung của họ đều nhắm vào việc làm sao để tăng doanh thu hoặc giảm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận.

Mối quan hệ giữa Cơ cấu chi phí của công ty với Chính sách giá

Câu hỏi mà chắc có lẽ các bạn đang đặt ra là “Vậy rốt cuộc thì nên thực hiện “price promotion” trong mùa cao điểm hay là mùa thấp điểm?” Để trả lời câu hỏi này, một nhà quản trị chuỗi cung ứng tài giỏi sẽ nói rằng: “Còn tùy!” Đúng thế, việc định giá của công ty có mối quan hệ chặt chẽ với cơ cấu chi phí của nó.

Cơ cấu chi phí của các công ty là khác nhau, nó bao gồm chi phí nhân công, chi phí chạy máy móc và cả chi phí để lưu trữ tồn kho. Đối với các tổ chức khác nhau, các chi phí này không giống nhau cả về tỷ lệ lẫn khả năng biến đổi (độ linh hoạt khi thay đổi cơ cấu chi phí).

Ví dụ như một công ty có cơ cấu chi phí với đặc điểm như sau: nó có thể dễ dàng thay đổi lượng nhân công cũng như năng suất máy móc khi sản xuất, nhưng chi phí lưu trữ tồn kho là rất lớn. Trong thực tế, bạn có thể tìm thấy một công ty như vậy ở các xí nghiệp sản xuất linh kiện cho thiết bị điện tử, do việc thay đổi cấu tạo dây duyền sản xuất là khá dễ dàng để sản xuất ra nhiều dạng linh kiện khác nhau, đồng thời việc lưu trữ tồn kho linh kiện điện tử là rất tốn kém do mặt hàng này rất dễ bị lỗi thời.

Và bạn nghĩ xem chính sách giá mà họ nên theo đuổi là gì? Câu trả lời là họ nên chạy “promotions” trong những mùa cao điểm. Tại sao ư? Vì họ hoàn toàn có thể tăng tối đa năng suất máy để sản xuất các sản phẩm trong mùa cao điểm, nên việc kích cầu tiêu dùng ngay trong mùa cao điểm sẽ giúp họ bán được một lượng hàng rất lớn, dư sức bù đắp cho phần lợi nhuận giảm đôi chút do giảm giá.

Có những công ty khác không thể thay đổi công suất máy và nâng quy mô sản xuất lên dễ dàng như vậy. Bạn hãy tưởng tượng đến một nhà máy sản xuất giấy. Tuy nhìn thì khá đơn giản nhưng nhà máy cùng các trang thiết bị để sản xuất mặt hàng giấy tiêu dùng thường rất tốn kém, và nó có thể có kích thước vô cùng lớn đến nỗi ngốn rất nhiều thời gian cho việc lắp đặt. Và một khi dây chuyền đã chạy, thì cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí là hãy duy trì nguyên trạng một quy mô đều đặn. Trong khi đó chi phí lưu kho lại rất tiết kiệm, vì giấy tiêu dùng là mặt hàng rất khó trở nên lỗi thời, giá trị nó cũng khá thấp nên thường chúng ta chỉ cần thuê các cơ sở lưu trữ thông thường mà không lo đến việc sợ mất cắp.

12312321

Với cơ cấu chi phí như vậy, nhà máy sản xuất giấy này có động cơ để chạy chương trình kích cầu trong đợt bán hàng thấp điểm. Vào những lúc cao điểm, vì dù sao quy mô sản xuất cũng khó lòng có thể nâng lên cao hơn, việc nên làm là giữ vững mức giá ổn định để không làm sụt giảm doanh thu. Vào những mùa thấp điểm, khi mà nhu cầu xuống thấp hơn sản lượng nhà máy, việc giảm giá sẽ giúp công ty cân bằng lượng cung cầu cho sản phẩm, và do đó có thể đảm bảo việc sản xuất diễn ra với quy mô đều đặn cả năm.