Incoterms 2020 – Phiên bản nâng cấp mới nhất đến từ ICC

Với mục tiêu đơn giản hóa Incoterms, Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) dự tính sẽ công bố Incoterms 2020 với nội dung ngắn gọn, xúc tích nhưng cũng không kém phần đầy đủ thông tin so với những bản Incoterms trước đây.

Incoterms từ trước đến nay luôn được coi là “ chiếu chỉ ” trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong Incoterms, những quy tắc có liên quan đến giá cả và trách nhiệm của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế sẽ được quy định một cách rõ ràng và đầy đủ nhất. Thế giới đã từng có Incoterms 1936, Incoterms 1953, Incoterms 2000, Incoterms 2010,… và Incoterms 2020 sắp tới được “ đo ni đóng giày” bởi ICC sẽ là một bản Incoterms dễ hiểu và đơn giản vì những ưu điểm như có sự đơn giản hóa các quy tắc, loại bỏ những từ ngữ và các cụm từ khó hiểu để phù hợp với  những người mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ có thể dễ dàng hiểu đúng các điều kiện Incoterms.

Incoterms 2020 được ICC cân nhắc rất kĩ lưỡng để đảm bảo tính đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ thông tin và chính xác

Vì sao lại nói Incoterms 2020 là phiên bản nâng cấp mới nhất so với những bản Incoterms từng được ban hành trước đây?

Sự biến mất của EXW, DDP và FAS trong Incoterms 2020.

Việc “ra đi” của  ba điều khoản EXW, DDP và FAS đều có nguyên do của nó:

  • EXW và DDP chủ yếu được sử dụng trong thương mại nội địa . Trong đó, EXW (Ex works – Giao tại Xưởng) được sử dụng bởi các công ty ít có kinh nghiệm xuất khẩu, còn DDP (Delivered Duty Paid – Giao đã nộp Thuế) được áp dụng cho hàng hóa dùng làm mẫu hoặc phụ tùng đến tay người mua nhờ các công ty chuyển phát nhanh. Hiện nay, hai điều khoản này, trong một số cách sử dụng cụ thể, lại mâu thuẫn với Bộ luật hải quan mới của Châu Âu.
  • FAS (Free Alongside Ship – Giao dọc mạn tàu) hiếm khi được sử dụng trong thực tế bởi nó gây khó khăn cho người mua và người bán vì không xác định được thời gian mà tàu cập bến. Đây là một điều hết sức quan trọng vì nếu tàu đến trễ thì hàng hóa của người bán sẽ phải nằm chờ tàu tại bến tàu trong một thời gian. Việc này sẽ gây khó khăn cho hàng hóa tươi sống, khó bảo quản lâu đồng thời tăng chi phí kho bãi cất trữ cho người bán. Mặc khác, nếu tàu đến sớm, người bán sẽ không kịp trở tay trong việc chuẩn bị, sắp xếp hàng hóa lên tàu. Bên cạnh đó, người ta cũng thường hay sử dụng điều khoản FCA (Free Carrier – Giao cho người chuyên chở) thay cho FAS vì FCA bao quát luôn cả FAS.

DDP được tách thành 2 điều kiện mới trong Incoterms 2020.

DDP quy định người bán phải nộp thuế hải quan tại nơi đến, bất kể hàng hóa được giao đến nơi đâu (địa chỉ của người mua, kho hoặc ga đến…). Incoterms 2020 tách DDP ra thành DTP và DPP.  Hai điều khoản này vẫn qui định người bán  sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế hải quan khi hàng hóa được giao đến nơi giao hàng cuối cùng nhưng sẽ có sự phân biệt rõ ràng hơn liên quan đến nơi giao hàng cuối cùng.

  • DTP qui định nơi giao hàng cuối cùng là ga (có thể là cảng biển, cảng hàng không, trung tâm vận tải …).
  • DPP qui định nơi giao hàng cuối cùng là bất kỳ địa điểm nào khác không phải là ga vận tải, ví dụ, địa chỉ của người mua.

FCA được mở rộng hơn trong Incoterms 2020.

Là một trong những điều khoản được sử dụng nhiều nhất ( đến 40% giao dịch thương mại sử dụng ) bởi tính linh hoạt về nơi giao hàng (có thể là địa chỉ của người bán, nhà kho, cảng biển hay cảng hàng không…) và tính đa dạng về các phương thức vận tải, đặc biệt rất phù hợp với với vận tải đa phương thức, FCA sắp tới sẽ được ICC “ưu ái” mở rộng thành hai điều kiện: một dành cho vận tải đường bộ và một dành cho vận tải đường biển.

Bằng việc mở rộng FCA và loại bỏ EXW,  nhà xuất khẩu có thể kiểm soát và hiểu rõ các nghĩa vụ và trách nhiệm thông quan xuất khẩu. Người bán chịu trách nhiệm lớn hơn so với EXW và người mua được bảo vệ nhiều hơn trong việc chuyển giao rủi ro.

FOB và CIF được sửa đổi

Những người tham gia giao dịch thương mại quốc tế hay quen dùng FOB và CIF để áp dụng cho hàng hóa được vận chuyển bằng container thay vì dùng hai điều kiện đối ứng thích hợp hơn đối với loại hình vận chuyển này là FCA và CIP.

Hiện tại khoảng 80% hàng hóa được giao bằng container nên có khả năng Ủy ban soạn thảo Incoterms 2020 dự định sửa đổi điều kiện FOB và CIF có thể sử dụng cho hàng container như Incoterms 2000 và các ấn bản trước đó.

CNI ra đời trong Incoterms 2020.

CNI (Cost and Insurance – Tiền hàng và Bảo hiểm) là điều khoản mới gia nhập  Incoterms 2020. Điều khoản này  đã giải quyết được lỗ hổng giữa FCA và CFR/ CIF, đưa ra một số quy định mới về trách nhiệm và rủi ro giữa người mua và người bán. Cụ thể, các rủi ro và trách nhiệm được chuyển giao từ người bán sang người mua tại cảng đi. Nhưng điều kiện mới này cũng cho phép người bán chịu trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa, trong khi người mua thì chịu rủi ro vận chuyển.

Một số điểm mới khác

  • Một số nội dung mới như an ninh giao thông; các qui định về bảo hiểm, vận tải; mối quan hệ giữa Incoterms và hợp đồng mua bán quốc tế sẽ được các nhà soạn thảo Incoterms suy xét đưa vào.
  • Ủy ban soạn thảo Incoterms 2020 ngoài các thành viên là luật sư đến từ EU gồm Pháp, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thêm 3 chuyên gia thực hành đến từ Trung Quốc, Úc và Mỹ.
  • Incoterms 2020 sẽ được soạn thảo với các thuật ngữ đơn giản hơn được minh họa bằng các ví dụ nhằm làm rõ các điều khoản để phù hợp với mục tiêu đơn giản hóa.

Incoterms 2020 sẽ chính thức được ban hành vào cuối năm 2019 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đúng vào dịp kỷ niêm 100 năm ngày thành lập ICC. Trong thời gian này Ủy ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, thảo luận và cuối cùng có thể thông quan một phiên bản Incoterms 2020 hoàn hảo.

Theo icontainers

Previous articleNhân dịp Thượng đỉnh Mỹ-Triều, hàng không Việt Nam đặt mua thêm một trăm máy bay
Next articleCảng Quy Nhơn: Vinalines sẽ mua lại 75,01% cổ phần từ nhà đầu tư tư nhân