Với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam lên đến 2,2 triệu lao động. Số nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực toàn ngành, biến vấn đề này trở thành một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Ngành logistics hiện đóng góp khoản 5% vào GDP quốc gia, là ngành được xem đang phát triển “nóng”, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. “Chính phủ đưa ra mục tiêu đến giai đoạn 2020-2030 ngành logistics sẽ tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP lên 10%, xấp xỉ ngành du lịch”, ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết tại diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics diễn ra tại TP.HCM hôm nay, 16.5.
Tiềm năng phát triển là điều không thể phủ nhận nhưng vấn đề nhân lực lại là câu chuyện khó của ngành logistics Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, hiện các chương trình đào tạo về logistics tại các trường đại học, cao đẳng và cao đẳng nghề vẫn còn nặng tính lý thuyết, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu làm nghề thực tiễn. Đặc biệt, thiếu cập nhật các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế, chưa kể đến xu hướng công nghệ đang định hình ngành logistics với một diện mạo mới hoàn toàn.
Ông Đào Trọng Khoa – phó chủ tịch VLA nhận định, việc thực tập của học viên tại doanh nghiệp logistics phải có thời gian đủ dài, không nên chỉ gói gọn trong khoảng ba tháng vì không đủ để tiếp cận thực tế. Theo đó, các trường, cơ sở đào tạo có thể học hỏi các chương trình đào tạo kép giống như ngành logistics ở Đức đang làm và rất thành công.
Cụ thể, từ năm học thứ ba, sinh viên sẽ được sắp xếp mỗi tuần ba buổi làm việc tại doanh nghiệp. Quá trình cọ xát thực tế này kéo dài liên tục trong hai hoặc thậm chí ba năm.
“Tại Việt Nam, cách làm này chỉ mới ở dạng thử nghiệm. Phòng Thương mại Đức đã phối hợp với trường Đại học Giao thông vận tải đưa vào thử nghiệm chương trình này ba năm nay. Ban đầu, đa phần chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, từ năm ngoái mới bắt đầu có sự góp mặt của vài doanh nghiệp Việt Nam”, ông Khoa chia sẻ.
Đa dạng hóa loại hình và tổ chức đào tạo với sự tham gia của hệ thống trường đại học công lập và tư thục, trường cao đẳng, cao đẳng nghề, học viện, việc đào tạo tại doanh nghiệp… là các giải pháp được đề xuất để việc đào tạo logistics được phổ biến rộng rãi hơn.
“Chúng ta nên đề cao giáo dục nghề nghiệp do các trường nghề thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng đến một năm, để học viên khi ra trường có thể làm việc ngay tại các trung tâm logistics hoặc các công ty logistics. Khi hướng nghiệp, không nên chỉ chú trọng đào tạo đại học, vì xã hội đang có nhu cầu lớn đối với đào tạo nghề”, ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định.
Để việc đào tạo nhân lực logistics được thực hiện trên phạm vi rộng hơn và dễ tiếp cận hơn, VLA đang đẩy mạnh các hình thức đào tạo trên nền tảng e-learning, các khoá học trực tuyến mở (MOOC), ông Đào Trọng Khoa chia sẻ bên lề Diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đóng vai trò “nhạc trưởng” trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, về đầu tư nền tảng và kinh phí cho hoạt động này. Còn các hiệp hội như chúng tôi có thể hỗ trợ về mặt nội dung đào tạo. Chỉ khi đó, việc kết nối các trường, cơ sở đào tạo mới nhanh chóng và hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam”, ông Khoa nhận định.
Theo Forbes Việt Nam