Cross docking – Kỹ thuật quản lý kho tương lai

Cross Docking là gì? Ứng dụng của cross docking trong quản lý kho vận
Cross Docking là gì? Ứng dụng của cross docking trong quản lý kho vận
Cross docking là một kĩ thuật logistics nhằm loại bỏ chức năng lưu trữ và thu gom đơn hàng của một kho hàng, mà vẫn cho phép thực hiện các chức năng tiếp nhận và gửi hàng.

1. Định nghĩa

Cross docking là một kĩ thuật logistics nhằm loại bỏ chức năng lưu trữ và thu gom đơn hàng của một kho hàng, mà vẫn cho phép thực hiện các chức năng tiếp nhận và gửi hàng.

Theo Gwynne Richards trong cuốn Warehouse Management – 2nd Edition, cross docking được định nghĩa là quy trình hàng hóa được vận chuyển trực tiếp sang khu vực chuyển tiếp mà không cần lưu trữ tại các kệ picking order hay bất kì hình thức trung gian nào khác. Điều này có nghĩa rằng chi phí lưu kho sẽ được cắt giảm đáng kể cũng như tăng cường hiệu quả khai thác tiềm lực có sẵn tại nhà kho mà không mất quá nhiều thời gian và nguồn lực.

Ví dụ của Cross-docking
Hàng hóa A,B,C tại đầu vào được phân loại theo nhu cầu và vận chuyển trực tiếp sang xe tải đầu ra.

Vì vậy có thể nói cross docking là hành động bỏ qua các thao tác không cần thiết trong lưu trữ kho bãi nhằm đưa hàng hóa từ luồng inbound (hàng vào) đến luồng outbound (hàng ra) trong thời gian ngắn nhất. Để có thể thực hiện được điều này, hàng hóa phải được kiểm tra, phân loại, đánh dấu rõ ràng để luôn trong tình trạng sẵn sàng được đưa sang khu vực vận chuyển khác.

Trung tâm cross-dock (Cross-dock centres): Được đánh giá là giải pháp tương lai cho ngành kho vận với khả năng đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu trong vận hành hàng hóa (operation), trung tâm cross-dock là các cơ sở trung chuyển tiếp nhận các xe chở hàng đã được phân loại và gom nhóm với các sản phẩm khác, sẵn sàng vận chuyển đến cửa hàng hoặc một cross-dock khác.
Xem thêm: Quản lý tồn kho và phương pháp ABCXYZ

2. Phân loại cross docking

Có nhiều và đa dạng các hình thức cross docking khác nhau cho các loại công việc đặc thù trong sản xuất và kinh doanh. Công ty không chỉ phải nghiên cứu phương pháp ứng dụng Cross docking trong quy mô sản xuất, mà còn phải lựa chọn đúng hình thức cho mình nhằm tận dụng được lợi thế chi phí mà cross docking mang lại. Dưới đây là một số các loại cross-docking thường thấy được LSC tổng hợp cho bạn:

1. Cross Docking cho sản xuất:

Loại hình cross docking này có mục đích hỗ trợ và thu gom các sản phẩm đầu vào cho nhà máy để có thể đáp ứng được kế hoạch sản xuất trong ngày, tuần, tháng. Một ví dụ dễ thấy đó chính là việc công ty sản xuất thuê một trung tâm phân phối ngay sát nhà máy của họ, có nhiệm vụ thu thập và lắp ráp các bộ phận quan trọng của sản phẩm. Với sự trợ giúp của hệ thống quản lí nguồn cung (MRP), cộng với đó là việc biết trước yêu cầu của từng loại input khiến ta dễ dàng xác định được lượng hàng tồn kho mong muốn.

2. Cross Docking cho phân phối:

Đây là hình thức cross docking thu thập các mặt hàng khác nhau từ các nhà cung cấp khác nhau thành một thành phẩm nhất định để vận chuyển đến khách hàng. Lấy ví dụ đó chính là bộ PC mà ta thường dùng. Công ty lắp ráp máy tính sẽ có một cross-dock dành cho việc thu thập các bộ phận khác nhau rồi lắp ráp thành một bộ PC hoàn chỉnh, rồi từ đó vận chuyển đến khách hàng cuối, là chúng ta.

Mô hình chữ U thường thấy trong quản lý kho bãi
Mô hình chữ U thường thấy trong quản lý kho bãi
3. Cross Docking vận tải:

Tập hợp các vận đơn nhỏ đến từ nhiều nhà vận tải khác nhau dưới dạng LTL (Less-than-load: mặt hàng vận chuyển ghép với các mặt hàng khác do không đủ cho một chuyến đi; hàng ghép) với mục đích kiếm thêm lợi nhuận với quy mô kinh tế lớn.

4. Cross Docking cho bán lẻ:

Đây là phương pháp doanh nghiệp áp dụng để tiếp nhận hàng hóa từ nhiều nhà sản xuất, hay sắp xếp hàng hóa cho chuỗi cửa hàng bán lẻ của mình lên phương tiện vận chuyển đầu ra (outbound vehicles).

Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, Wal-Mart đã áp dụng phương pháp này đối với các cửa hàng bán lẻ của họ bằng cách phân loại rõ ràng 2 loại hàng hóa mà họ sẽ mua. Thứ nhất là loại hàng hóa mà họ sẽ bán liên tục trong năm, được gọi là mặt hàng chính, còn lại là mặt hàng mà Wal-Marts sẽ không re-stock, được gọi là hàng đặc biệt. Để tối ưu chi phí, Wal-Marts áp dụng cross docking với mặt hàng đặc biệt vì nó không mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty, đồng thời giảm được chi phí lưu kho đối với mặt hàng không thường xuyên này.

5. Cross Docking cơ hội:

Là phương pháp có thể ứng dụng rộng rãi tại kho hàng, di chuyển trực tiếp hàng hóa từ nơi tiếp nhận đến nơi vận chuyển khi biết chính xác order của khách hàng.

Xem thêm: Tồn kho kỹ thuật số: Cách công nghệ in 3D thay đổi cục diện quản lý kho

3. Mặt hàng nào dành cho kĩ thuật cross docking?

Sau khi hiểu và áp dụng được hình thức Cross docking, chúng ta cần xem xét đến loại hàng tồn kho nào phù hợp với loại hình này.

Với tính chất linh hoạt, nhanh nhẹn và tinh gọn, các sản phẩm được ứng dụng trong quy trình cross docking cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ cần đáp ứng hai điều kiện: Ít biến động và khối lượng cao. Thứ nhất, mặt hàng ít biến động sẽ giúp ta kiểm soát tốt hơn số lượng hàng càn phải lưu trữ và xuất đi. Mặt khác, nếu khối lượng hàng hóa ổn định nhưng số lượng không đủ nhiều thì vẫn có khả năng không thu được lợi nhuận vì không đạt mức quy mô kinh tế cần có.

Ngoài ra, sau đây là một số loại mặt hàng nhất định phù hợp với mô hình cross docking hiện nay:

Các mặt hàng mau hư hỏng như rau củ, thịt, cá,…
Mặt hàng có giá trị cao, không cần kiểm tra chất lượng trước
Sản phẩm được trang bị thẻ, nhãn dán, mã vạch để nhận dạng
Mặt hàng bán lẻ chủ lực với nhu cầu ít biến động và số lượng cầu cao
Đơn hàng được phân loại trước từ nhà máy, chỉ chờ vận chuyển.
Xem thêm: Các phương pháp lưu trữ hàng trong kho – Kì 1

4. Lợi ích của hoạt động Cross docking đối với hoạt động kho bãi

Nguyên lý hoạt động của cross-docking là giảm sự phụ thuộc vào hàng tồn kho và cải thiện dòng chảy, vì thế giúp loại bỏ công đoạn lưu trữ hàng trung gian và giảm thiểu nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Trong hoạt động kho bãi, chúng ta có thể điểm qua một số ưu điểm nổi bật của Cross-docking sau:

1. Đây là chiến lược “không cần kho”, khi không cần đầu tư vào nhà kho lớn với chi phí xây dựng tiết kiệm hơn so với nhà kho truyền thống.
2. Sản phẩm được sàng lọc nhanh hơn vì thông thường chúng được lưu trữ không quá 24 giờ; do đó có thể được phân phối sớm đến khách hàng với chất lượng được đảm bảo cao, đặc biệt là với những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn. Vòng quay đặt hàng được rút gọn.
3. Ít rủi ro trong việc xử lý hàng tồn kho.
4. Các chi phí vận hành nhà kho được giảm thiểu đáng kể khi lưu trữ hàng hóa và đóng gói không còn quan trọng. Công đoạn chính được thực hiện tại kho bao gồm nhận và xuất hàng.
5. Hiệu suất của xử lý vật liệu (materials handling) được cải thiện vì vật liệu đã được sắp xếp có hệ thống, đặc biệt với mặt hàng với số lượng cao và phương sai nhỏ.
Xem thêm: Tự động hóa trong quản lý kho hàng – Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

5. Những “tên tuổi” nào gắn liền với chiến lược này?

1. Roche Diagnostics (Thụy Sĩ):

Ngành dược là một trong những ngành áp dụng cross-docking mạnh mẽ nhất và hệ thống kho vận tự động, với 2 lý do chính: thuốc được bảo quản trong kho nhiệt độ được kiểm soát; và nguồn cung ứng hàng dự trữ được giám sát chặt chẽ.

Roche Diagnostics là công ty dược phẩm đi đầu về các giải pháp chẩn đoán trong ống nghiệm và huyết học. Họ sở hữu loại sản phẩm dễ hư hỏng và cần được giao trong ngày, nên cross-docking là một phương án hoàn hảo với công ty. Kết quả là, thông lượng hàng hóa (throughput) được xử lý tăng từ 14,000 đơn/ngày lên xấp xỉ 20,000 đơn/ngày, yêu cầu về lao động giảm 18%… Việc sử dụng Human Machine Interface để hiển thị trạng thái băng tải và điều khiển của thiết bị đã góp phần giảm thiểu thời gian chết hay tình trạng tắc nghẽn trên dây chuyền phân loại đống gói và vận chuyển.

2. Walmart (Mỹ):

Khi nhắc đến cross docking, một ví dụ điển hình không thể không nhắc đến chính là Walmart – tập đoàn bán lẻ số một nước Mỹ. Mô hình cross docking của Walmart áp dụng như sau: sản phẩm hoàn thiện được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy sản xuất của nhà cung ứng, đến những kho theo những lô hàng lớn. Lô hàng sẽ được tách ra tại đây, chuẩn bị theo nhu cầu của khách hàng hoặc mỗi chi nhánh, và gửi đi đến các chi nhánh đó. Walmart đã thật sự áp dụng hiệu quả cả 5 mô hình cross docking, đã giúp Walmart đảm bảo được chiến lược về giá của mình, cung cấp những mức giá cạnh tranh cao hơn với khách hàng.

Xem thêm: Hệ thống đóng chai khép kín: Gã khổng lồ ngành giải khát đang tham vọng điều gì?
Đọc thêm về cross docking tại đây 
Nội dung: Hòa Bình, Huy Ngân
Hình ảnh: Minh Nguyên
Previous article3 khó khăn chuỗi cung ứng đối mặt sau đại dịch
Next article[MASAN] KHỞI ĐẦU SỰ NGHIỆP THẬT CHẤT CÙNG MASAN YOUNG ENTREPRENEUR 2021