Tổng quan về chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng bao gồm các doanh nghiệp và những công việc kinh doanh cần thiết trong việc thiết kế, sản xuất, phân phối và sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ. Chuỗi cung ứng cung cấp những gì mà doanh nghiệp cần trong quá trình hoạt động và phát triển.
Một thị trường bất ổn và thay đổi liên tục càng làm rõ tầm quan trọng của việc quản trị chuỗi cung ứng. Muốn có được những lợi thế cạnh tranh bền vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng và có chiến lược quản trị chuỗi cung ứng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
“Chuỗi cung ứng”, một điều hoàn toàn mới, hay chỉ là một sự tiến triển?
Những quan điểm cơ bản về quản trị chuỗi cung ứng hầu như không thay đổi đáng kể trong suốt nhiều thế kỉ.
Hàng trăm năm trước, Napoleon đã chú tâm đến tầm quan trọng của điều mà ngày nay được gọi là một chuỗi cung ứng hiệu quả. Ông từng nói: “An army marches on its stomach”, nếu binh lính không được ăn thì đoàn quân không thể bước tiếp được. Khả năng đáp ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm cho cả đoàn quân của hậu phương cũng có thể quyết định thành bại của đội quân đó. Điều này cũng được áp dụng tương tự trong kinh doanh.
Thuật ngữ “Supply Chain Management” xuất hiện vào cuối những năm 1980 và được sử dụng phổ biến vào những năm 1990. Trước đó, những thuật ngữ như “logistics” và “operations management” thường được sử dụng thay thế.
Vậy, có điều gì khác biệt giữa “Supply Chain Management” và quan niệm truyền thống về “Logistics”?
Nhìn chung, Logistics thường liên quan đến các hoạt động xảy ra trong nội bộ một tổ chức còn Supply Chain thì liên quan đến một chuỗi các doanh nghiệp cùng hợp tác và đảm nhiệm những chức năng nhất định trong việc cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Một chuỗi cung ứng hiệu quả cần đáp ứng những điều kiện gì?
Tuy có nhiều quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung, để quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả cần đáp ứng những điều kiện cơ bản trong việc chăm sóc khách hàng và quản lý bên trong doanh nghiệp.
Những lĩnh vực chính trong việc vận hành một chuỗi cung ứng là gì?
Năm lĩnh vực chính: Production (sản xuất), Inventory (lưu kho), Location (định vị), Transportation (vận chuyển) và Information (thông tin).
- Production: Trả lời cho câu hỏi “Sản phẩm thị trường mong muốn là gì?”
- Inventory: Trả lời cho những câu hỏi “Cần lưu kho những gì? Số lượng bao nhiêu? Đâu là mức lưu kho tối ưu và điểm thích hợp để mua bổ sung?”
- Location: Trả lời cho những câu hỏi “Nơi nào thích hợp cho việc sản xuất và lưu kho? Nơi nào có chi phí tối ưu nhất cho cả sản xuất và lưu kho? Nên sử dụng cơ sở có sẵn hay xây mới?
- Transportation: Trả lời cho những câu hỏi “Làm thể nào hàng trong kho di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác trong chuỗi cung ứng? Loại phương tiện vận tải nào sẽ phù hợp với tình hình hiện tại?”
- Information: Trả lời cho câu hỏi “Cần thu thập và chia sẻ bao nhiêu dữ liệu trong suốt quá trình vận hành chuỗi cung ứng ?”
Biên tập: Minh Phúc