Thời gian gần đây, Logistics toàn cầu đang tích cực vận động để bắt kịp với những tiến bộ công nghệ và sự thay đổi đáng kể của tình hình kinh tế – xã hội. Năm 2019 tới đây cũng đồng thời đón nhận nhiều xu hướng mới như chuỗi cung ứng số, vận tải xanh hay thích nghi với những thách thức thương mại đang thay đổi đáng kể ngành Logistics tại các nền kinh tế lớn. Bài viết dưới đây chủ yếu đề cập tới nền kinh tế Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và ASEAN.

https://lscftu2.com/tin-tuc/xu-huong-thi-truong-logistics-tai-cac-nen-kinh-te-lon-nam-2019/
Năm 2019 chứng kiến nhiều xu hướng Logistics mới xuất phát từ sự thay đổi tình hình kinh tế – xã hội trên toàn cầu.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI

Tại ASEAN – khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu, được xem như chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng của mỗi quốc gia. Với hơn 350 triệu người dùng Internet tính đến tháng 6/2018, đây là một thị trường tiềm năng cho sự bùng nổ của nền kinh tế số, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử. Trước tình hình này, các nước ASEAN đã ký cam kết phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến và hỗ trợ sự chuyển dịch của doanh nghiệp giữa các thị trường.   

Với Hoa Kỳ, quốc gia này cũng đã chứng kiến một năm 2018 với những kỷ lục về khối lượng hàng hóa xử lý tại nhiều cảng biển lớn. Tuy nhiên, ít nhất trong nửa đầu năm 2019, cước phí vận chuyển bằng xe sẽ tiếp tục tăng do các điều kiện thắt chặt trong nguồn cung dịch vụ. Để giải quyết những vấn đề phức tạp và xử lý khối lượng hàng hóa khổng lồ, Hoa Kỳ sẽ chú trọng hơn vào số hóa chuỗi cung ứng; qua đó, thị trường nhà máy, kho hàng kỹ thuật số tại quốc gia này được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong 10 năm tiếp theo.

XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Thế hệ trẻ ở các quốc gia EU đang ngày càng quan tâm đến tính bền vững của các chuỗi cung ứng. Áp lực đó buộc các công ty phải tìm cách giảm bớt tác động môi trường từ hoạt động của mình. Điều này cũng có nghĩa là những cơ sở sản xuất tại địa phương sẽ được ưa chuộng do tốn ít nhiên liệu hơn cho hoạt động phân phối hàng hóa.

Tại Hoa Kỳ, hưởng ứng phong trào cảng biển xanh, vận tải xanh trong hàng hải toàn cầu, một số cảng đã yêu cầu các tàu giảm tốc độ khi tiếp cận cảng và ưu tiên cho các tàu tuân thủ các tiêu chuẩn về hàng hải xanh. Bên cạnh đó, cả EU và Hoa Kỳ đều đang đẩy mạnh nghiên cứu phân phối hàng hóa tự động bằng phương tiện chạy điện, giúp cho Logistics đô thị trở nên hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu lượng lớn khí thải nhà kính.

THÍCH NGHI VỚI CÁC THÁCH THỨC MỚI

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, hai khó khăn lớn nhất hiện nay chính là giảm tốc tăng trưởng và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Để đối phó với những thách thức này, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp mở cửa mới, bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu đối với hơn 3000 mặt hàng và giảm bớt các hạn chế mang tính tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài.

Vận tải xanh là một trong những xu hướng Logistics chủ đạo trong năm 2019.
Trung Quốc đang tham vọng xây dựng hàng chục trung tâm Logistics quốc gia trong hai năm tới.

Ngoài ra, nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang đặt mục tiêu thành lập 30 trung tâm Logistics trong hai năm tới, theo đó sáu loại trung tâm sẽ bao gồm: cảng nội địa; cảng biển; sân bay; cảng định hướng dịch vụ; cảng định hướng thương mại và cảng biên giới đất liền. Các trung tâm Logistics sẽ được khuyến khích áp dụng tự động hóa, bao gồm tự động hóa các cảng, phát triển kho thông minh, sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác để tăng hiệu quả hoạt động.

Trong khi đó, tại châu Âu, công nghệ tự động hóa và sự thu hẹp khoảng cách về chi phí lao động đang thúc đẩy các nhà sản xuất hàng đầu khu vực đưa sản xuất trở về chính quốc. Sự thay đổi về vị trí sản xuất ảnh hưởng không nhỏ tới phương thức vận tải; với quãng đường ngắn hơn và nhu cầu phân phối dặm cuối (last-mile delivery) gia tăng, các nhà cung cấp công nghệ Logistics cỡ nhỏ hoặc trung bình sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Có thể thấy, Logistics là một ngành rất nhạy cảm với những thay đổi về đặc điểm kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải nhanh chóng tự cải tiến chính mình và ứng dụng công nghệ mới để có thể thích nghi và tồn tại.

Theo Trang thông tin điện tử Logistics Việt Nam