Warehouse management (quản lý kho bãi) là một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng.

Warehouse management (quản lý kho bãi) là một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng.
Warehouse management (quản lý kho bãi) là một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng.

Đối với bất kể ngành hàng nào với quy mô và sản lượng ra sao, các kho hàng đảm bảo lưu trữ và phân phối hàng hoá luôn là điểm thiết yếu. Tuy nhiên, tùy theo năng lực và nguồn lực bản thân mà mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề vô cùng quan trọng này.

Bên cạnh các “ông lớn” có đủ sức cạnh tranh để duy trì kho bãi của riêng mình, kho công cộng cho đến nay vẫn là một lựa chọn quen thuộc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kho công cộng và kho riêng đòi hỏi những yêu cầu về xây dưng và phương pháp quản lý khác nhau, và vì vậy doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu kĩ càng trước khi lựa chọn loại kho hàng phù hợp.

Kho riêng do doanh nghiệp sở hữu

Kho riêng được xây dựng và thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh để lưu trữ các sản phẩm đã sản xuất của mình. Loại kho này thường chỉ phù hợp với những nhà sản xuất, kinh doanh lớn bởi cần có nguồn vốn ban đầu đáng kể để đầu tư xây dựng hoặc mua một nhà kho. Vì vậy, có thể coi một kho riêng nói trên là một đầu tư dài hạn khá mạo hiểm nhưng cũng rất giá trị.

Kho dưới sự sở hữu của doanh nghiệp sẽ cung cấp cho các nhà quản lý khả năng kiểm soát hoàn toàn các yếu tố liên quan đến nhu cầu lưu trữ, cho phép theo dõi một cách rõ ràng các sản phẩm cho đến khi chúng được giao tận tay cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các kho riêng được xây dựng dựa trên những tiêu chí cụ thể, riêng biệt sao cho có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất (về không gian, nhiệt độ, độ ẩm…) cho việc lưu trữ, bảo quản loại hàng hóa mà công ty kinh doanh. Mức độ kiểm soát cao cũng giúp các doanh nghiệp linh động hơn trong việc mở rộng, cải tiến kho sao cho phù hợp với sự thay đổi nếu có của sản phẩm.

Kho thông minh của Vinamilk là một ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc xây dựng và quản lý kho riêng. Là một trong những nhà kho hiện đại nhất ở Việt Nam với ứng dụng công nghệ tiên tiến của SSI SCHAEFER như hệ thống quản lý kho WAMAS, hệ thống xe điện có ray dẫn đầu tiên ở Đông Nam Á…, kho được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ cực lớn cho khối lượng sản xuất khổng lồ của nhà máy sữa Mega Factory, điều khó có thể thực thi nếu như Vinamilk lựa chọn thuê kho công cộng. Việc Vinamilk xây dựng nhà kho riêng như trên là biện pháp tối ưu nhất cho các hoạt động sản xuất ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa của mình.

Kho công cộng

Kho công cộng cung cấp dịch vụ với tư cách là bên thứ ba. Họ không sở hữu sản phẩm mà chỉ chịu trách nhiệm quản lý và lưu trữ hàng hóa của các công ty khách hàng. Kho công cộng là lựa chọn thích hợp cho các công ty với quy mô vừa và nhỏ, không đủ khả năng để có kho riêng của mình do những hạn chế về vấn đề tài chính. Thuê kho công cộng có thể chia làm hai loại, theo thời vụ ngắn hạn hàng tháng, hoặc theo hợp đồng dài hạn kéo dài trên một năm.

Việc thuê kho theo tháng sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí qua những thay đổi theo mùa vụ. Nếu như lượng hàng cần lưu trữ trong tháng sau chỉ bằng nửa lượng hàng hiện tại, công ty sẽ chỉ phải chi trả cho không gian thuê tương ứng với lượng hàng của mình. Tuy nhiên điều này cũng gây ra những bất ổn nhất định vì khi lượng hàng tăng cao mà nhà kho đã đầy, công ty sẽ phải tìm một nhà cung cấp dịch vụ khác cho sản phẩm của mình.

Thuê kho theo hợp đồng dài hạn, trái lại, sẽ không có được sự linh hoạt của thuê ngắn hạn, nhưng bù lại mức độ đảm bảo cao hơn. Không gian thuê có thể là toàn bộ kho hoặc một bộ phận nhất định và không thể thay đổi trong suốt thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Với thời gian đủ dài như vậy, nhà cung cấp dịch vụ kho có thể tùy chỉnh thiết bị, quy trình… sao cho phù hợp với các nhu cầu lưu trữ hàng hóa cụ thể nhờ đó mà nâng cao chất lượng quản lý và bảo quản sản phẩm của công ty khách hàng.

Một kho hàng công cộng tại St.Louis
Một kho hàng công cộng tại St.Louis

Kết luận

Nhìn chung, kho riêng và kho công cộng đều có những ưu và nhược điểm nhất định, phù hợp với quy mô khác nhau của công ty. Các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện thường sẽ xây dựng kho riêng của mình để thống nhất với các hoạt động khác trong chuỗi cũng ứng và tiện quản lý hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mặt khác có thể tận dụng lợi thế của việc thuê kho ngoài, cân nhắc các yếu tố đi kèm để cắt giảm chi phí không cần thiết đồng thời vẫn đảm bảo hàng hóa được quản lí hiệu quả, an toàn.

Biên tập: Minh Phúc