Nhìn lại “thảm họa” Samsung Galaxy Note 7

Tháng 8 năm 2016, chiếc Samsung Galaxy Note 7 chính thức “lên kệ” và được dự đoán sẽ “đánh cắp” trái tim cuả những tín đồ yêu công nghệ bởi những đột phá trong thiết kế và tính năng vượt trội mà nó sở hữu.

“Thảm họa” Samsung Galazy Note 7 đã khiến công ty này chao đảo thế nào?

Nhiều chuyên gia công nghệ dự đoán năm 2016 sẽ làm “năm của Samsung” nhưng dường như mọi chuyện lại diễn ra theo hướng ngược lại. Sự việc hàng loạt chiếc Note 7 cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng cho người sử dụng đã khiến Samsung phải “khai tử” đứa con cưng này khi Note 7 chính thức được 65 “ngày tuổi”. Tạm gác lại những hệ luỵ mà Note 7 mang đến cho Samsung, trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ tập trung khai thác một khía cạnh khác : Liệu rằng cuộc đua để phát hành ra những sản phẩm mới trở nên quan trọng hơn việc đảm bảo chuỗi cung ứng không xảy ra rủi ro?

Khi cuộc đua ra mắt sản phẩm mới “nổ ra”, các thương hiệu đều chịu áp lực THỜI GIAN làm sao đưa sản phẩm của mình ra mắt đúng thời điểm doanh số bán hàng cao nhất hoặc có thể cạnh tranh cùng với các thương hiệu khác. Một số công ty cố gắng sản xuất nhiều hơn khả năng vốn có của họ. Điều này khiến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo và đối với các mặt hàng công nghệ, nó thậm chí còn gây nguy hiểm đếm người tiêu dùng. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng Samsung vì muốn cạnh tranh với “kỳ phùng địch thủ” Apple nên đã sản xuất pin của Galaxy Note 7 to hơn, dày hơn so với Iphone 7 plus vô tình Samsung đã buộc pin phải hoạt động trên công suất thực của nó.

Samsung có thể đã không đảm bảo quy trình kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu của nhà cung cấp hoặc thúc ép họ quá mức, hậu quả là nhà cung cấp không thể tuân theo quy trình kiểm tra chất lượng theo đúng quy tắc dưới áp lực THỜI GIAN quá lớn.

“thảm hoạ” 2016 của Samsung có phải do sự cộng tác không chặt chẽ với nhà cung cấp hay không thì vẫn để lại bài học đắt giá cho các doanh nghiệp rằng: Ngay cả khi nhu cầu cạnh tranh là quan trọng, những yêu cầu trong quá trình sản xuất phải được duy trì để đảm bảo sự an toàn cho khách hàng. Việc không mang những rủi ro vào qui trình sản xuất là trách nhiệm của các nhà cung cấp, và các công ty phải giám sát để đảm bảo các nhà sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt việc này. Nếu không, danh tiếng của công ty sẽ bị ảnh hưởng và niềm tin đối với khách hàng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Biên tập: Bích Phượng

Previous article7-Eleven lần đầu giao hàng thành công bằng máy bay không người lái
Next articleGiảm chi phí Logistics sẽ tiết kiệm 1 tỷ đô cho ngành dệt may Việt Nam