DỰ BÁO CẦU TRONG MỘT CÔNG TY SẢN XUẤT MÁY TÍNH
Dự báo nguồn cầu là tiên quyết trong hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề, loại sản phẩm đều mang tính đặc thù, đòi hỏi những kĩ thuật dự báo khác nhau. Đối với những sản phẩm tiêu dùng thông thường đã chuẩn hóa trên thị trường, PVC (Vòng đời sản phẩm) là một yếu tố không quá quan trọng trong quá trình dự báo, vì thường những sản phẩm này có PVC rất dài, không quá ảnh hưởng đến ngắn hạn. Trong trường hợp này áp dụng những phương pháp như exponential smoothing, hồi qui hay phân tích chuỗi thời gian (time series analysis) là phù hợp. Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, cụ thể là sản xuất máy tính cá nhân (PC), PVC là một nhân tố cực kì quan trọng. gây ra những trở ngại lớn cho dự báo viên.
Các khó khăn trong quá trình dự báo nguồn cầu
Có 2 khó khăn chính thường gặp phải trong quá trình dự báo nguồn cầu PC.
Khó khăn thứ nhất liên quan đến tính chất sản phẩm – PLC của PC thường rất ngắn (do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nên chúng dễ trở nên lỗi thời, lạc hậu), trong khi đó nguồn cầu lại biến động liên tục trong thời gian ngắn với biên độ rất lớn.
Khó khăn thứ hai liên quan đến những yếu tố bên trong doanh nghiệp. Ví dụ như với mỗi phòng ban khác nhau (marketing, thu mua, sản xuất…) lại có yêu cầu về mức độ chính xác trong dự báo (level of accuracy) khác nhau, và khoảng thời gian dự báo (forecasting range) cũng không giống nhau, có thể là dự báo trong dài hạn (hơn 6 tháng) cho đến dự báo ngắn hạn theo từng ngày.
Hình 1. Vòng đời của sản phẩm (PLC)
Những khó khăn đặc thù cần những giải pháp đặc thù. Trong trường hợp này, những phương pháp dự báo như Logistics Function, Gompertz Curve, và Bass Diffusion model tỏ ra phù hợp và chính xác hơn. Bài viết này không giải thích thêm về ba phương pháp trên vì chúng khá phức tạp và mang tính nghiệp vụ cao.
Quy trình dự báo nguồn cầu
Quy trình dự báo nguồn cầu trong ngành sản xuất máy tính cũng được xây dựng phù hợp với sự phát triển, đổi mới mạnh mẽ của công nghệ. Đầu tiên, trước khi sản phẩm được giới thiệu ra thị trường, dự báo dài hạn phải được thực hiện cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm (dựa trên nền tảng dữ liệu bán hàng của sản phẩm cũ). Bước tiếp theo, dựa trên dữ liệu bán hàng thực tế ở 3 tuần đầu tiên, dự báo dài hạn được điều chỉnh lại cho phù hợp. Giai đoạn cuối là điều chỉnh lại dự báo ngắn hạn cho 1 – 2 tuần tiếp theo để quyết định mức lưu kho cũng như điều chỉnh lịch sản xuất hằng tuần.
Hình 2. Ba giai đoạn dự báo nguồn cầu
Trong bài nghiên cứu của Chihyun Jung và đồng sự (2015) về cải thiện tính chính xác trong dự báo nguồn cầu máy tính của một doanh nghiệp Hàn Quốc, bằng phương pháp dự báo mới, mức độ chính xác đã được cải thiện đáng kể so với cách dự báo truyền thống (từ 40% lên tới hơn 60%). Hiểu biết, nắm bắt, áp dụng được những kĩ thuật, qui trình mới trong dự báo nguồn cầu sẽ mang lại lợi thế cực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.