WTO là gì? Việt Nam có lợi gì từ khi gia nhập WTO

Mục tiêu của WTO là hạn chế đi các rào cản thương mại trong hoạt động giao thương quốc tế.
Mục tiêu của WTO là hạn chế đi các rào cản thương mại trong hoạt động giao thương quốc tế.

WTO là gì?

WTO là viết tắt của từ Tổ chức Thương mại Thế giới (tiếng Anh là World Trade Organization). Đây là một tổ chức quốc tế có trụ sở ở Geneva,  Thụy Sĩ. Chức năng chính yếu của tổ chức này là nhằm giám sát các hiệp định thương mại giữa các quốc gia thành viên tham chiếu theo các quy tắc thương mại được quy định trong các hiệp ước, hiệp định chung. Mục tiêu của WTO là hạn chế đi các rào cản thương mại trong hoạt động giao thương quốc tế.

Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 7-11-2006, và được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11-1-2007. Việc gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam với thị trường rộng lớn, gồm 155 nước thành viên, chiếm 97% GDP toàn cầu.

Chức năng chính của WTO

WTO có những chức năng cụ thể như sau:

  1. WTO là tổ chức các cuộc đàm phán mậu dịch đa biên mà nội dung của nó rất đa dạng đề cập lớn tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua các cuộc đàm phán như vậy, việc tự do hoá mậu dịch của các nước trên thế giới được phát triển, đồng thời những qui tắc quốc tế mới cũng được xây dựng và sửa đổi theo yêu cầu của thời đại.
  2. WTO là một luật lệ quốc tế chung được các nước thành viên cùng nhau ký kết. WTO đề ra những qui tắc quốc tế về thương mại và đảm bảo các nước thành viên của WTO phải thực hiện các nguyên tắc đó. Đặc trưng của các quyết định và qui tắc của WTO là nó có hiệu lực bắt buộc tất cả các thành viên và có khả năng làm cho mọi thành viên có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. Bất cứ một nước thành viên nào một khi đã thừa nhận “hiệp định WTO” và những hiệp định phụ khác của WTO thì nước đó cần phải điều chỉnh hay chuyển các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính của mình theo các quy định của WTO.
  3. WTO có khả năng giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp mậu dịch quốc tế. WTO có chức năng như là một toà án giải quyết các tranh chấp nảy sinh giữa các thành viên trong các lĩnh vực liên quan. Bất cứ một thành viên nào của WTO khi thấy lợi ích của nước mình đang bị xâm hại trong hoạt động kinh tế ở một thị trường nào đó vì có thành viên khác đang thực hiện chính sách trái với các qui tắc của WTO thì có quyền khởi tố lên cơ quan giải quyết mâu thuẫn mậu dịch của WTO và yêu cầu nước đó ngừng các hoạt động kinh tế xâm hại đến lợi ích của mình. Bất cứ thành viên nào cũng phải chấp nhận khi bị các thành viên khác khởi tố lên WTO vì đây là một trong những nghĩa vụ của mọi thành viên, không nước nào có thể tránh khỏi.
  4. WTO hướng tới phát triển nền kinh tế thị trường. Để nền kinh tế thị trường hoạt động và nâng cao được hiệu quả, WTO xúc tiến việc giảm nhẹ qui chế. Phần lớn các nước trước kia theo cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung hiện nay đều đang chuyển sang nền kinh tế thị trường đã và đang làm thủ tục để xin gia nhập WTO. Qua các cuộc đàm phán cần thiết để gia nhập WTO, các nước này có thể tìm hiểu được về hệ thống kinh tế thị trường và đồng thời xắp xếp lại những chế độ và qui tắc để có thể quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Nguyên tắc hoạt động của WTO

Các hiệp định nằm trong khuôn khổ của WTO có tính lâu dài và phức tạp, bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động lớn. Các hiệp định được dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến: nông nghiệp, thủ công nghiệp, ngân hàng, bưu chính viễn thông, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn công nghiệp, các quy định về vệ sinh, quy định về sở hữu tài sản trí tuệ,… Tuy nhiên, tổ chức này cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản và đơn giản để áp dụng xuyến suốt cho tất cả các hiệp định.

Nguyên tắc thứ nhất: Nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên tham gia tổ chức. Nguyên tắc này được thẻ hiện qua hai loại đãi ngộ song song, đó là đãi ngộ tối huệ quốc và đối xử quốc gia.

  • Nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc (MFN): Theo quy định của các hiệp định nằm trong khuôn khổ WTO, nguyên tắc này được áp dụng như sau: Mỗi thành viên đối xử với mọi thành viên khác tham gia hiệp định một cách bình đẳng với nhau như là các đối tác được ưu đãi nhất. Nếu như một nước cho một nước khác được hưởng lợi nhiều hơn thì đối xử “tốt nhất” đó phải được giành cho tất cả các nước thành viên WTO khác để các nước khác vẫn tiếp tục có được đối xử tối huệ quốc. Nguyên tắc MFN đảm bảo rằng mỗi thành viên WTO đối xử trên 140 thành viên khác tương tự nhau. Nguyên tắc này rất quan trọng vì vậy nó được ghi nhận tại điều đầu tiên của hiệp định chung về quan thuế và thương mại GATT về thương mại hàng hoá. Nguyên tắc MFN cũng được đề cao trong hiệp định chung về dịch vụ GATS, hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại TRIMs tuy có khác nhau một ít ở từng hiệp định.
  • Đối xử quốc gia (NT): đối xử người nước ngoài và người trong nước như nhau. Hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước phải được đối xử như nhau, ít nhất là sau khi hàng hoá nhập khẩu đã đi vào đến thì trường nội địa. Theo nguyên tắc này, khi áp dụng những qui chế trong nước và thuế nội địa đối với hàng nhập khẩu thì phải cung cấp các điều kiện tương tự như đối với sản phẩm trong nước. Vì thế các thành viên của WTO không được áp dụng thuế nội địa để bảo vệ sản xuất trong nước và không được phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên WTO khác. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho dịch vụ nhãn hiệu thương mại, bản quyền và quyền phát minh sáng chế trong nước và của nước ngoài. Đối xử quốc gia chỉ áp dụng được khi hàng háo dịch vụ và đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đã vào đến thị trường. Vì vậy, việc đánh thuế nhập khẩu hàng hoá không vi phạm nguyên tắc này mặc dù hàng nội địa không chịu thuế tương tự.

Nguyên tắc thứ hai: Thương mại phải ngày càng được tự do thông qua đàm phán.WTO đảm bảo thương mại giữa các nước ngày càng tự do hơn thông qua quá trình đàm phán hạ thấp hàng rào thuế quan để thúc đẩy buôn bán. Hàng rào thương mại bao gồm thuế quan, và các biện pháp khác như cấm nhập khẩu, quota có tác dụng hạn chế nhập khẩu có chọn lọc, đôi khi vấn đề khác như tệ quan liêu, chính sách ngoại hối cũng được đưa ra đàm phán.

Nguyên tắc thứ ba: WTO tạo ra môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng. WTO là một hệ thống các nguyên tắc nhằm thúc đẩy cạnh tranh tự do, công bằng và không bị bóp méo. Các quy định về phân biệt đối xử được xây dựng nhằm đảm bảo các điều kiện công bằng trong thương mại. Các đều khoản về chống phá giá, trợ cấp cũng nhằm mục đích tương tự. Tất cả các hiệp định của WTO như Nông nghiệp, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại đều nhằm mục đích tạo ra được một môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng hơn giữa các nước.

Nguyên tắc thứ tư: Tính tiên liệu được thông qua ràng buộc thuế. Các cam kết không tăng thuế cũng quan trọng như việc cắt giảm thuế vì cam kết như vậy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể dự đoán tốt hơn các cơ hội trong tương lai.

Trong WTO, khi các nước thoả thuận mở cửa thị trường cho các hàng hoá và dịch vụ nước ngoài, họ phải tiến hành ràng buộc các cam kết thuế. Đối với thương mại hàng hoá, các ràng buộc này được thể hiện dưới hình thức thuế trần.

Một nước có thể thay đổi mức thuế ràng buộc, tuy nhiên điều này chỉ có thể thực hiên được sau khi nước đó đã đàm phán với các nước bạn hàng và có nghĩa là phải bồi thường cho khối lượng thương mại đã bị mất. Qua vòng đàm phán Uruguay, một khối lượng thương mại lớn được hưởng cam kết về ràng buộc thuế. Tính riêng trong lĩnh vực hàng nông sản 100% sản phẩm đã được ràng buộc thuế. Kết quả là WTO đã tạo được sự đảm bảo cao hơn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Nguyên tắc thứ năm: Các thoả thuận thương mại khu vực. WTO thừa nhận các thoả thuận thương mại khu vực nhằm mục tiêu đẩy mạnh tự do hoá thương mại. Các liên kết như vậy là một ngoại lệ của nguyên tắc đãi ngộ Tối huệ quốc theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm các thoả thuận này tạo thuận lợi cho thương mại các nước liên quan song không làm tăng hàng rào cản trở thương mại với các nước ngoài liên kết.

Nguyên tắc thứ sáu: Các điều kiện đặc biệt dành cho các nước đang phát triển. WTO là một tổ chức quốc tế với hơn 2/3 tổng số nước thành viên là các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi, vì thế một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO là khuyến khích phát triển, dành những điều kiện đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước này, với mục tiêu đảm bảo sự tham gia sâu rộng hơn của họ vào hệ thống thương mại đa biên. Để thực hiện được nguyên tắc này, WTO dành cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi những linh hoạt và các ưu đãi nhất định trong việc thực thi các hiệp định, đồng thời chú ý đến việc trợ giúp kỹ thuật cho các nước này.

Lợi ích mà Việt nam có được khi tham gia vào WTO

Sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Theo ông Lương Văn Tự, có thể nêu ra nhiều “cái được” của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO. Đáng nói nhất là Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài nhờ có môi trường ổn định, minh bạch. Năm 2006, vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, tới năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD và tới 2008 đã tăng lên 64 tỷ USD. Tuy nhiên, do bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, năm 2010 vốn đăng ký nước ngoài giảm còn 18 tỷ và tới năm 2011 chỉ còn đạt 15 tỷ đồng. Mặc dù vậy, vốn ODA vẫn đạt tăng trưởng cao và giải ngân tăng nhanh.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục sau 5 năm, trung bình 19,52%/năm. Đáng lưu ý, dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2010 xuất khẩu vẫn đạt 72,2 tỷ USD (tăng 26,4%) và năm 2011 tăng lên 96,3 tỷ USD (tăng 33%). Tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu đã thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ phân phối, bán lẻ phát triển mạnh. Các doanh nghiệp đã tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ, tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình phong phú. Số lượng siêu thị thành lập mới sau 5 năm gia nhập WTO tăng trên 20% (303/251) so với giai đoạn 5 năm trước đó. Riêng số lượng trung tâm thương mại được thành lập mới tăng trên 72%. Bên cạnh sự ra đời của siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại,…đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sau khi gia nhập WTO đã có bước phát triển bền vững hơn. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và cà phê đứng hàng thứ 2 thế giới; xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều đứng hàng thứ nhất thế giới… Nông nghiệp của Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong diễn đàn DAVOS vừa qua.

Đối mặt với những thách thức

Những mặt được sau 5 năm gia nhập WTO không thể phủ nhận, tuy nhiên sau gia nhập WTO đất nước ta đã phải đối mặt với những vấn đề gì ? Đó là những vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại Hội thảo.

Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh gia tăng, kể cả trên thị trường trong nước do nước ta phải từng bước mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, do đã liên thông với thị trường quốc tế nên những biến động của thế giới tác động vào Việt Nam nhanh hơn và mạnh hơn. “Từ sông suối ra biển lớn” thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không khỏi bỡ ngỡ, sơ hở và thua thiệt.

 Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, dù ngành bán lẻ của Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc sau 5 năm gia nhập nhưng thị trường vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: quy mô thị trường nhỏ và sức mua yếu; phân tán, manh mún, hiệu xuất thấp; thị trường chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20% trên cả nước. Doanh nghiệp bán lẻ yếu về nhiều mặt, trong đó có 4 điểm yếu cố hữu (về tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, năng lực tài chính…). “Nói cách khác khó khăn và thử thách bộn bề và vẫn còn đó những căn bệnh trầm kha trong phát triển thị trường ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp”.

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đồng thời đại diện Công ty cổ phần tập đoàn INTIMEX cho biết, khi vào “cuộc chơi” WTO, “Khó khăn đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng là lãi xuất quá cao. Doanh nghiệp tuy làm nhiều nhưng lợi nhuận không tương xứng do phải trả lãi vay ngân hàng quá nhiều. Nhà nước cần có chính sách để hạ lãi xuất, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”. Ông Nam cũng cho biết bất cập trong công tác quản lý đã tạo điều kiện thiếu bình đẳng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng thêm ưu thế trên thị trường, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mất dần lợi thế.

 Tại Hội thảo, ông Lương Văn Tự cho rằng, những kết quả bước đầu sau 5 năm hội nhập là “bàn đạp” để kinh tế Việt Nam trỗi dậy, trở thành nền kinh tế mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện. “Cần thiết phải đưa các văn bản pháp luật thực thi vào cuộc sống. Trong đó các bộ, ngành cần phối hợp tốt hơn để tránh ùn tắc và hạn chế các khoảng trống trong quản lý. Thêm vào đó, cần xây dựng chiến lược hội nhập WTO lâu dài định hướng cho phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn”.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng bài học rút ra sau 5 năm đối với kinh tế Việt Nam là làm sao phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm bằng các biện pháp thiết thực; tranh thủ công nghệ tiên tiến để “thoát khỏi bẫy trung bình”, bên cạnh đó phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Previous articleXóa bỏ 500 loại thuế nhập khẩu cho hàng hóa đến từ Cuba trong năm 2019
Next articleBộ GTVT quyết định mở thêm 6 cảng cạn